MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem “Khoảng lắng vuông” nhớ cố hoạ sĩ Nguyễn Lai

M.T LDO | 06/04/2017 13:16
Từ 5-16.4, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh diễn ra triển lãm "Khoảng lắng vuông" với hơn 100 bức sơn dầu và bộ ảnh "Mặt nạ" của nhà nhiếp ảnh kiêm họa sĩ Nguyễn Lai.
Hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Lai sinh năm 1948 và mất ngày 12.1.2016. Đam mê gắn bó với hội hoạ từ nhỏ nhưng vì lý do gia đình, ông tạm gác giấc mơ cọ, màu và tới với nghệ thuật nhiếp ảnh trong năm tháng tuổi trẻ. Ông đã gặt hái được nhiều thành công với mảng đề tài cư dân Nam Bộ qua nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước.
Khoảng lắng vuông gồm những bức tranh được đánh số thứ tự, ngoài ra, không lý giải điều gì, tự người xem cảm nhận

Sau 5 năm định cư tại Mỹ, ông trở về quê hương vào năm 2001, lập xưởng vẽ và quay trở lại với đam mê hội họa, bên cạnh hoạt động nhiếp ảnh qua hàng loạt cuộc triển lãm ảnh của Hội nhiếp ảnh TPHCM. Trong đó, đáng chú ý nhất là triển lãm ảnh cá nhân mang tên "Cõi tĩnh lặng" vào năm 2005 của ông tại IDECAF với bộ ảnh mặt nạ. Người nghệ sĩ dùng chiếc mặt nạ và bố cục, ánh sáng của nghệ thuật nhiếp ảnh như công cụ để biểu đạt tư duy, triết lý của mình về cuộc đời. Trong triển lãm lần này, ban tổ chức chọn 8 ảnh từ bộ ảnh mặt nạ 50 bức này để giới thiệu tới công chúng về nghệ thuật nhiếp ảnh của Nguyễn Lai.

Họa sĩ Nguyễn Lai  lúc sinh thời thích sống và vẽ ở Đà Lạt

Kể từ khi trở về sống tại Việt Nam, Nguyễn Lai tích cực tham gia vào đời sống mỹ thuật tại TPHCM. Là thành viên của Câu lạc bộ Mekong Art thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM, ông đã tham gia nhiều triển lãm thường niên của CLB và thực hiện một số triển lãm nhóm với các hoạ sĩ khác. Hai triển lãm cá nhân của ông mang tên "Dòng chảy trừu tượng" (2010) và "Trừu tượng và trừu tượng" (2015) được tổ chức tại Đà Lạt. Những năm cuối đời, hoạ sĩ Nguyễn Lai rời TP HCM về sinh sống tại Đà Lại và mất tại đây vào năm 2016.

Thế giới của  họa sĩ Nguyễn Lai

Suốt cuộc đời cầm cọ của mình, nghệ sĩ Nguyễn Lai trung thành với nghệ thuật trừu tượng. Ông chọn canvas hình vuông cho các tác phẩm của mình, vẽ chủ yếu bằng bay và gọi tên dòng tranh của mình là "trừu tượng vuông". Xem tranh Nguyễn Lai, người xem như lạc vào một cõi tiềm thức, xa xăm hư ảo những cũng rất thực.

Lúc sinh thời, HS Nguyễn Lai nghiên cứu sâu về Thiền và đạo Phật, nên những nghiên cứu và sự giác ngộ của tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong không gian và thế giới mà ông tạo dựng trong tranh. Nhưng, là một người giản dị trong đời sống thường nhật, ông luôn mong muốn mọi người "đừng xem trừu tượng là nghệ thuật cao xa, khó hiểu", mà hãy "cảm nhận và vui chơi “, đúng với tinh thần của Đạo Phật-an nhiên tự tại.

Các họa sĩ gọi tranh của Nguyễn Lai là những mảng  màu cảm xúc

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn