MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh nóng của khách hàng bị nhân viên CGV phát tán lên mạng.

Xử lý trách nhiệm CGV trong vụ rò rỉ ảnh nóng khách hàng: Sao không thấy Bộ VHTTDL và Bộ Công thương nói gì?

Đ.B LDO | 04/08/2018 15:30

Luật sư Minh Anh (Văn phòng luật sư Trí Minh - Hà Nội) cho biết: "Vì CGV là doanh nghiệp nên Bộ Công Thương là đơn vị có trách nhiệm và quyền hạn xử lý. Cụ thể, trường hợp này là việc cấp phép và quản lý đối với dịch vụ ghế Sweetbox".

Sự việc ảnh nóng của hai khán giả xem phim tại rạp CGV bị chính nhân viên đơn vị này phát tán vẫn tiếp tục làm dấy lên những tranh cãi.

Phần lớn, khán giả bày tỏ sự lo lắng và giận dữ về tính bảo mật thông tin khách hàng của CGV.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, động thái duy nhất của CGV là đình chỉ công tác đối với nhân viên tung ảnh nóng lên mạng. Tuy nhiên, họ đã quên mất một điều rất quan trọng là cần phải nói lời xin lỗi và bồi thường cho những tổn hại mà hai khách hàng kia phải gánh chịu.

Ghế sweetbox, một sản phẩm được đánh giá là góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của CGV so với rạp chiếu phim của các đơn vị khác.

Với hệ thống các cụm rạp dày đặc, quyền lợi mà sweetbox mang lại cho CGV là quá rõ ràng.

Tuy nhiên, CGV đã thực sự có trách nhiệm với khách hàng khi dịch vụ này phát sinh mặt trái?

Nhìn vào những thông cáo báo chí phát đi sau sự cố ảnh nóng một cách chung chung, thậm chí mang tính bao biện, đùn đẩy cho thấy, CGV không hề có trách nhiệm, thậm chí thiếu tôn trọng, bàng quan với khách hàng.

Một dịch vụ được quảng cáo với những lời hoa mỹ nhưng lại bộc lộ mặt trái, mang lại những phiền toái cho khách hàng. Để lọt ảnh nóng của khách hàng, CGV đã vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ hình ảnh, sự riêng tư của người khác. Sau sự việc, CGV đã xử lý nhân viên của mình. Nhưng ai là người xử lý CGV?

Câu hỏi được đặt ra với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Điện ảnh?

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL cho hay, trong vấn đề này cần nhìn nhận sự việc một cách khách quan. “Rõ ràng hai khách hàng kia có hành vi phản cảm trong rạp chiếu phim. Đây là không gian công cộng, những hành động như thế là không thể chấp nhận. Về phía CGV, họ đã có động thái xử lý và kỷ luật đối với nhân viên. Việc ảnh nóng bị phát tán lên mạng là sự cố xảy ra ngoài mong muốn”, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định.

Cũng theo đại diện Bộ VHTTDL, với sự việc nhân viên CGV phát tán ảnh nóng của khách hàng, Cục Điện ảnh hay Bộ VHTTDL không có thẩm quyền xử lý. Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh chỉ có thẩm quyền duyệt các bộ phim của CGV được trình chiếu ở Việt Nam. Công tác thẩm định phim hoàn toàn dựa trên các quy định về Luật Điện ảnh.

Về phía Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan cho biết chưa nắm được sự việc về nhân viên CGV phát tán ảnh nóng của khách hàng. Khi được hỏi thêm, Cục trưởng Cục Điện ảnh từ chối với lý do là đang bận duyệt phim.

Về vấn đề cơ quan nào có thẩm quyền xử lý CGV trong sự việc ảnh nóng bị phát tán, luật sư Minh Anh (Văn phòng luật sư Trí Minh - Hà Nội) cho biết: "Vì CGV là doanh nghiệp nên Bộ Công Thương là đơn vị có trách nhiệm và quyền hạn xử lý. Cụ thể, trường hợp này là việc cấp phép và quản lý đối với dịch vụ ghế Sweetbox".

"Khách hàng có hành vi nhạy cảm, CGV vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ hình ảnh, sự riêng tư. Đây được cho là những bất cập trong việc quản lý và lắp đặt chỗ ngồi xem phim như Sweetbox ở các cụm rạp chiếu phim của CGV hiện nay", luật sư Minh Anh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn