MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng người hành hương tại khu di tích Ngọa Vân (Quảng Ninh). Ảnh: Ái Vân

Xuân Giáp Thìn, hàng vạn du khách hành hương về chùa Ngọa Vân - nơi Vua hoá Phật

Ái Vân LDO | 16/02/2024 22:06

Chùa am Ngọa Vân là di tích nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hoá Phật.

Nằm ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm thơ mộng uốn quanh.

Chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo vào thời Hậu Lê. Kiến trúc của khu vực chùa có ba lớp. Lớp trên cùng là am Ngọa Vân. Trong am có bệ thờ, trên đặt tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn.

Chùa am Ngoạ Vân là di tích nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hoá Phật. Ảnh: BQL Khu di tích

Trong những ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, chùa am Ngọa Vân (Quảng Ninh) đón trên 10.000 du khách. Đại diện Ban quản lý khu vực cáp treo cho biết, chỉ trong 3 ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn, đã có lượt du khách tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong ngày mùng 5 Tết, một đoàn hành hương gồm 250 người từ khắp mọi miền đất nước đã có chuyến hành trình đầy ý nghĩa và tạo nên một nét văn hoá hành hương rất an nhiên, mang ý nghĩa tri ân to lớn.

Đai diện đoàn hành hương chia sẻ, xuân năm nay đại chúng tề tựu trở về nơi chốn “Tổ Phật Trúc Lâm” là con đường khơi nguồn năng lượng trí tuệ cho sự sống bừng nở, hoà mình vào thiên nhiên trong ân đức của trời, đất.

Du khách hành hương và hành lễ tại Tháp Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Ái Vân

Theo cảm nhận từ các Phật tử tham gia thì đây là chuyến hành trình rất tuyệt vời và ý nghĩa với những hoạt động thong dong tự tại như: Theo tiếng chuông bước vào thiền đường Trúc Lâm, thực hành lễ lạy Tri Ân tại Am Ngọa Vân - nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thành tự đạo quả và lưu giữ xá lị.

Chùa am Ngọa Vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9.12.2013).

Năm nay, Lễ khai hội xuân Ngọa Vân sẽ được tổ chức vào ngày 18.2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Ngoài phần nghi lễ trang trọng, chương trình còn diễn ra phần hội với nhiều với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian rất đặc sắc, độc đáo tại khu vực sân ga cáp treo.

Với mong muốn mang đến những chuyến “hành trình trở về cội nguồn đất Phật” thật ý nghĩa, chính quyền địa phương và Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo đã phối hợp cùng các cơ quan, doanh nghiệp trong việc chỉnh trang cảnh quan, nâng cấp hạ tầng dịch vụ (cáp treo, không gian trải nghiệm, ẩm thực…), đồng thời hướng du khách thập phương đến với “chốn linh thiêng” trong tâm thế rất an nhiên.

Ngọa Vân năm nay có nhiều nét mới rất đặc biệt thu hút đông đảo du khách đầu xuân năm Giáp Thìn: Vườn Thiền theo lối kiến trúc hiện đại, Thiền Đường nguy nga với bức tranh sơn mài Phật Hoàng, khu phố ẩm thực chay và ẩm thực 3 miền đặc sắc…

Dự kiến có 30.000 số du khách và Phật tử tham dự lễ khai hội xuân tại nơi Vua hoá Phật, mùng 9 tháng Giêng (18.2.2024). Cũng trong chuỗi sự kiện lễ hội xuân 3 tháng đầu năm, vào ngày 15 tháng Giêng sẽ có lễ thượng nguyên với 5.000 hoa đăng được thắp sáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn