MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ý nghĩa tục trang hoàng nhà cửa đón Tết nghênh tài lộc

Hoàng Hoàn LDO | 03/02/2019 15:10

Vào những ngày cuối năm, các gia đình Việt Nam đều dọn dẹp, trang trí nhà cửa với mong muốn đầu năm đàng hoàng, tử tế thì cuối năm sẽ hạnh phúc, ấm no. 

Trang hoàng nhà cửa đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt Nam. Vào những ngày trước Tết, các gia đình Việt đều cùng nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Có nhiều gia đình đã “thay áo mới” cho không gian cũ, sơn mới nhà, cửa, thay đổi cấu trúc ngôi nhà.

Các đồ dùng như bàn, ghế, tủ, kệ,… đều được lau chùi sạch bụi. Trên tường được treo, dán những loại tranh tết, đèn lồng. Trong nhà hoặc ở sân trước chưng các loại hoa có màu sắc rực rỡ như: Cúc vàng, vạn thọ, cây quất hoặc cây đào.

Đồ đạc trong gia đình được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đặc biệt, trên bàn thờ tổ tiên, người ta rất coi trọng mâm ngũ quả ngày Tết, trang trí cho mâm ngũ quả sao cho đẹp mắt, lau chùi lư hương sạch sẽ và đặt vào đúng vị trí.

Cuối năm, mỗi gia đình đều cố gắng trang hoàng nhà cửa sao cho gọn gàng, đẹp đẽ nhất để nghênh đón tài lộc cho năm mới.

Tục lệ trang hoàng nhà cửa có ý nghĩa lớn đối với nền văn hóa truyền thống của người Việt nói chung và của từng gia đình nói riêng. Việc làm này vừa thể hiện được sự trân trọng những giá trị truyền thống, vừa cho thấy không khí Tết đang đến gần.

Đối với người dân Việt Nam, việc tân trang nhà cửa trước Tết có ý nghĩa xóa bỏ những “bụi bặm” của năm cũ với những gì không may mắn để sang năm mới mọi thứ trở nên đàng hoàng, tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, trang hàng nhà cửa còn có ý nghĩa đón lộc đầu năm vào nhà. Vì theo quan niệm của người xưa, Thần Tài mang đến may mắn và phúc lộc sẽ gõ cửa những ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, tươm tất, hạnh phúc trong những ngày đầu năm.

Trên thực tế, gia đình nào có ngôi nhà sạch sẽ, trang hoàng lộng lẫy, gia chủ sẽ tự tin hơn khi khách đến thăm. Nó cũng thể hiện hoàn cảnh của gia chủ. Đồng thời, bản thân khách đến cũng cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Tân trang nhà cửa vào những ngày cuối năm chính là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình.

Thời gian trước Tết, mỗi người trong gia đình đều có một công việc riêng. Khoảng thời gian này là thời điểm để mọi người cùng nhau dọn dẹp, quây quần bên nhau, hội ý, thảo luận với nhau để trang trí ngôi nhà được rực rỡ, nổi bật nhất. Trang hoàng nhà cửa vào dịp Tết là một tục lệ tốt đẹp của người dân Việt Nam nên được giữ gìn và phát huy.

Cho dù trong năm bận rộn đến đâu, nhưng những ngày gần Tết, bất cứ gia đình người Việt nào cũng đều trang hoàng lại nhà cửa với mong muốn đón một năm mới an lành, thịnh vượng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn