MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Yếu tố Khoa học hóa trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943

Hải Minh LDO | 26/02/2023 16:08

Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã chỉ ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam là Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa.

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2.1943. Với tính chất là một bản đề cương ngắn gọn, ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng 80 năm qua, những tư tưởng, quan điểm vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Từ 3 nguyên tắc "Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa," hiện nay, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế xã hội. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của "Đề cương văn hóa Việt Nam" năm 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong 3 nguyên tắc đó, Khoa học hóa tức là chống lại những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, ấu trĩ, mê tín dị đoan.

Đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn tồn tại một số hủ tục như: Hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, mê tín dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm; trong đám tang còn giết mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày...

“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với Lao Động, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có nhấn mạnh 3 yếu tố Dân tộc, Đại chúng và Khoa học. Trong đó, khoa học là yếu tố của hiện đại, khoa học có mặt trong đời sống đương đại và trong tương lai. Những yếu tố lạc hậu, cổ hủ sẽ bị đào thải trong tương lai

Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã xác định đúng đắn, nhờ tính khoa học nên đến hiện tại, cuộc sống của người dân không lạc hậu. Cùng với đó là tính đại chúng, yếu tố đại chúng có nghĩa là toàn dân. Yếu tố này cho thấy tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần đối với nhân dân.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu 2 câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Duy: "Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn". Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, "hát" ở đây chính là văn hóa tinh thần bồi đắp cho con người.

"Kinh tế và văn hóa giống như đôi chân của con người, đôi cánh của con chim. Người thiếu một trong hai chân không thể đi được, chim thiếu một trong hai cánh cũng không thể bay được. Vì vậy, văn hóa và kinh tế cần được phát triển song song" - Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn