MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim “Em chưa 18” gây bão phòng vé những ngày qua. Ảnh: ĐPCC

Bị chê nhảm, phim Việt vẫn đạt doanh thu trăm tỷ

Bích Hà LDO | 22/05/2017 06:14
Không cần những cái tên “bảo chứng phòng vé”, không cần nhiều kỹ xảo, hay kịch bản quá cao siêu, “Em chưa 18” vẫn thu về 150 tỉ sau 2 tuần công chiếu. Không chỉ phá vỡ kỷ lục của điện ảnh Việt, nó còn tạo ra bước ngoặt, buộc các nhà làm phim Việt phải có cách nhìn khác về những yếu tố quyết định thành bại của một bộ phim.

Nhảm, vẫn đạt doanh thu trăm tỉ

Tính đến thời điểm này đã có 3 tác phẩm cán mốc “giấc mơ trăm tỉ” của điện ảnh Việt.

Năm 2014, “Để mai tính” (phần 2) của đạo diễn Charlie Nguyễn thu về 101 tỉ đồng sau 2 tuần công chiếu. Giới điện ảnh trong nước sững sờ, bởi phim bị chê nhảm, nhưng khán giả vẫn kéo đến rạp ùn ùn. Cốt truyện cũng đơn giản, kể về hành trình của nhân vật Hội sau khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt trở về nước để thực hiện kế hoạch xây dựng khu tổ hợp kinh doanh, trung tâm thương mại. Và trong hành trình đó, nhân vật Hội vướng vào mối tình với một chàng họa sĩ, cùng nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Năm 2015, “Em là bà nội của anh” - một phim hài - tình cảm được thực hiện dựa trên Việt hoá bộ phim “Miss Granny” nổi tiếng của Hàn Quốc - tác phẩm tiếp theo tạo nên cơn chấn động với giới làm phim trong nước. Phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thu về 102 tỉ đồng sau 3 tháng công chiếu. Phim kể về hành trình trở lại tuổi thanh xuân của bà Đại - một người đàn bà góa chồng, khó tính, nhưng vô cùng yêu thương con trai. Tác phẩm cuốn hút khán giả từ đầu đến cuối nhờ nội dung dễ xem, cách dàn dựng hóm hỉnh, chuyện phim chứa đựng nhiều ý nghĩa đằng sau các tình tiết hài.

Hai tuần nay, những người đam mê nghệ thuật thứ bảy đã phải ra sức giải mã sức hút của bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn, khi phim xô đổ tất cả những kỷ lục trước đó: Sau 2 tuần thu về 150 tỉ và doanh số vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.

Thuộc dòng phim “chick flick” (phim dành cho khán giả nữ), “Em chưa 18” mang đến một câu chuyện tình yêu thú vị giữa một anh chàng dân chơi không thích bị ràng buộc và một thiếu nữ đang tuổi cắp sách đến trường. Một chút giật gân trong chuyện tình một đêm với gái chưa đủ tuổi, một chút lãng mạn của tình yêu tuổi học trò, một chút hài hước trong bản hợp đồng tình yêu, “Em chưa 18” đem lại nhiều cảm xúc, sau khi khơi gợi sự tò mò cho người xem.

Một sự trùng hợp, cả 3 phim cán mốc trăm tỉ của điện ảnh Việt đều thuộc dòng phim giải trí, chứng tỏ thể loại hài - lãng mạn vẫn có sức hút đối với khán giả Việt. Thậm chí, những phim này còn bị chê là nhảm, tiếng cười có đôi chỗ hơi gượng gạo. Không phải khán giả chê, mà chính đạo diễn, nhà sản xuất chê.

Mới đây, nhà sản xuất Charlie Nguyễn đã hài hước nói rằng, thành công của bộ phim “Em chưa 18” vượt quá sự mong đợi của anh và ê-kíp. Bởi dù dư luận hết lời khen, rằng “Em chưa 18” hài mà không nhảm, nhưng với anh… phim rất nhảm.

Phân tích về lý do vì sao mình lại chê nhảm, Charlie Nguyễn nói: Một câu chuyện có thể làm mọi người cười thì đó sẽ là một sự nhảm có duyên, hợp lý. Một tình tiết hay, câu thoại trái với bình thường được đặt đúng tình huống, đúng tính cách nhân vật quy định thì đó là “nhảm” có logic, ý nghĩa. Còn sự nhảm nhí trong phim, Charlie Nguyễn cho rằng đó xuất phát từ việc diễn viên không hoá thân thành nhân vật trên phim mà đem cái chiêu trò hài hước của mình đi mua vui cho khán giả, khiến phim có những tình huống không hợp logic nhân vật. Charlie Nguyễn thừa nhận phim của mình vẫn thuộc dòng phim hài nhảm, nhưng đó là sự nhảm có duyên, chứ không phải nhảm nhí, nên vẫn được khán giả chấp nhận.

Miu Lê có diễn xuất xuất thần trong "Em là bà nội của anh". Ảnh: ĐPCC

Nhiều “sao” chưa chắc đã thắng

Nếu “diễn viên triệu đô” Thái Hòa góp công lớn đưa “Để mai tính 2” lập kỷ lục phòng vé, thì hai phim “Em chưa 18” và “Em là bà nội của anh” lại như một gáo nước lạnh dội thẳng vào những lời bao biện cho rằng phim Việt khó lòng đạt doanh thủ cao vì kinh phí thấp, không đọ lại bom tấn nước ngoài, không có gương mặt điện ảnh thực sự có sức hút…

Hai phim này đều không có diễn viên “ngôi sao”, phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn thậm chí toàn gương mặt mới, lần đầu tham gia đóng phim điện ảnh. Đạo diễn Lê Thanh Sơn và nhà sản xuất Charlie Nguyễn cũng cho thấy sự táo bạo của mình khi chọn diễn viên bằng một công thức khác: Không phải là diễn viên ngôi sao để bảo chứng cho phòng vé, không phải là diễn viên kinh nghiệm trong những vai diễn sở trường… mà dùng kịch bản, sự giản dị trong câu chuyện phim để lôi kéo khán giả.

Thực tế thời gian qua cũng chứng minh, sự xuất hiện của các danh hài, chân dài, hoa hậu… chưa chắc đã khiến phim thành công, kể cả về mặt hiệu ứng để khán giả đến rạp. Từ năm 2016, rất nhiều bộ phim có sự tham gia của các nghệ sĩ hài nổi tiếng như: Việt Hương trong “Gái già lắm chiêu”, Trấn Thành trong “Bệnh viện ma”, Trường Giang trong “Taxi, em tên gì?”, Hoài Linh trong “Mặt nạ máu”… Nhưng không có phim nào tạo nên những cơn sốt phòng vé cho đến khi “Em chưa 18” làm được điều này.

Nó chứng minh, các danh hài cũng không thể cứu được những phim có nội dung nhảm nhí. Việc cố mời danh hài đóng phim để tạo tiếng cười, chỉ thể hiện người làm phim không tin vào kịch bản mà họ xây dựng cũng như không có khả năng tạo tiếng cười bằng nội dung.

Một điều nữa, danh hiệu “ngôi sao bảo chứng phòng vé” cũng liên tục thay đổi và chưa thấy diễn viên nào giữ vững được danh hiệu này. Thái Hòa sau một số phim góp mặt có doanh thu kỷ lục, thì hai năm nay, những “Fan cuồng”, “Vệ sĩ Sài Gòn” có Thái Hòa diễn xuất lại thất bại về mặt doanh thu. Hay diễn viên Miu Lê, sau vai diễn xuất sắc trong “Em là bà nội của anh” cũng chưa thể kéo khán giả ùn ùn đến xem “Bạn gái tôi là sếp” cũng do Miu Lê thủ vai chính.

Bởi sau khi có phim đoạt doanh thu trăm tỉ, các diễn viên chính trong phim đã đưa mình trở thành cái tên “bảo chứng phòng vé” ở thời điểm đó, nhưng lại chưa giữ được phong độ, thương hiệu đó lâu dài. “Ngôi sao phòng vé” Việt đều sớm nở chóng tàn.

Ngoài tài năng còn là “ăn may”

Thành công của những “bom tấn phòng vé Việt” đến từ tài năng diễn xuất của diễn viên, tài tính toán của đạo diễn, của nhà sản xuất, người viết kịch bản. Hay nói cách khác nó đến từ những khoảnh khắc xuất thần của cả êkíp làm phim.

Một mình Thái Hòa đã dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi xem phim “Để Mai Tính 2”, dù có phần ăn may do hiệu ứng tốt từ phần một của phim. Miu Lê có diễn xuất tốt đến bất ngờ trong vai chính của phim “Em là bà nội của anh”.

Và những ngày gần đây, Kaity Nguyễn được đánh giá diễn xuất xuất sắc, được cho là gương mặt sáng giá tới đây của làng điện ảnh Việt Nam sau vai Linh Đan trong “Em chưa 18”. Dù chỉ là một cô bé học sinh 17 tuổi, như một đứa trẻ con lần đầu đóng phim, nhưng Kaity Nguyễn đã được đạo diễn và nhà sản xuất khen hết lời. Nét ngây thơ, lối diễn tưng tưng của Kaity Nguyễn đã khiến nhân vật Linh Đan trở nên sống động, với những cảm xúc thoạt vui thoạt buồn của tuổi học trò.

Ngoài ra, “Em chưa 18” cũng được đánh giá là tránh được được lối mòn hài nhảm mà nhiều bộ phim thị trường trước đó mắc phải. Đằng sau câu chuyện về cuộc sống hào nhoáng, khá tây của giới học sinh con nhà giàu, là tình cảm gia đình, mặt trái xã hội, góc khuất tình yêu của giới trẻ. Đạo diễn Lê Thanh Sơn đã phác hoạ những nét rất thật về cuộc sống của tuổi học trò thời nay (quan niệm thoáng về chuyện tình dục, nói chuyện tiếng Việt thường chêm thêm tiếng Anh, đi bar…). Bộ phim cũng cho thấy sự phóng khoáng trong cách dàn dựng, nhưng vẫn giữ được sự chừng mực, không bị phản cảm.

Cũng chính chiến thắng của “Em chưa 18” đã chứng minh sự bất ổn định của phim Việt. Khi phim được kỳ vọng thì gây thất vọng, ngược lại chỉ mong hòa vốn lại bất ngờ thành công. Nó cho thấy, điện ảnh Việt vẫn chưa qua thời… “làm phim kiểu ăn may”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn