MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Chí Tài bày tỏ quan điểm ủng hộ cách hành xử của Trường Giang khi bị khán giả "tấn công".

Nghệ sĩ “dở khóc, dở cười” vì bị khán giả “tấn công”: Hãy học cách tôn trọng nhau!

Bích Hà LDO | 19/02/2017 20:12
Nghệ sĩ và khán giả lâu nay có mối quan hệ cộng sinh - nghệ sĩ làm đời sống tinh thần của khán giả thêm phong phú và ngược lại chính người hâm mộ mang đến tiền bạc, là thước đo thành công của nghệ sĩ. Nhưng gần đây, liệu có phải mối quan hệ này đang ngày càng xấu đi, khi liên tiếp xảy ra những vụ việc nghệ sĩ bị khán giả chỉ trích, thậm chí là “tấn công” trực tiếp?

“Tấn công” từ mạng xã hội đến sân khấu thực

Trong môi trường showbiz nhiều ồn ào, nghệ sĩ không chỉ nỗ lực để khẳng định chỗ đứng, tài năng mà còn có cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc giành thị phần khán giả. Đến tận bây giờ, những ai có nhiều người hâm mộ, có nhiều fan vẫn được xem là thành công, nhất là với những ca sĩ theo dòng nhạc thị trường. Nhưng bên cạnh những người luôn ủng hộ thần tượng của mình thì cũng có không ít người không thích họ, hay còn gọi là anti-fans. Nếu người hâm mộ là tấm bình phong, ra sức bảo vệ nghệ sĩ, thì anti-fans là người mang đến phiền toái, thường hay dùng đủ mọi công cụ để “tấn công” nghệ sĩ.

Khi mạng xã hội phát triển, việc nghệ sĩ bị những anti-fan “ném đá”, chỉ trích trên mạng không phải là hiếm gặp. Thậm chí những khán giả này còn lập ra các diễn đàn, nhóm để tẩy chay nghệ sĩ mà họ không thích. Hồ Ngọc Hà, Hari Won và nhiều nghệ sĩ khác từng khốn khổ và mất đi nhiều hợp đồng quảng cáo, show diễn vì anti-fan.

Ca sĩ Sơn Tùng dù sở hữu lượng fan hùng hậu, nhưng số khán giả không thích anh cũng không ít. Bằng chứng là, mỗi khi một sản phẩm âm nhạc mới của Sơn Tùng ra mắt, luôn có một lượng lớn khán giả, vốn không thích Sơn Tùng, nên ngồi “vạch sâu tìm đạo nhạc”. Sơn Tùng cũng bị những người này “soi” từng đường đi nước bước, phong cách thời trang đến ứng xử.

Sự yêu mến của người hâm mộ luôn là động lực, niềm tự hào của nghệ sĩ, nhưng đôi khi sự hâm mộ quá đà lại đẩy  nghệ sĩ vào thế khó. Có những khán giả vì quá yêu mến ca sĩ, thần tượng này mà trở thành anti-fan của ca sĩ khác.

Như trường hợp liên tục xảy ra “khẩu chiến” giữa fan của Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm chẳng hạn. Mỹ Tâm là ca sĩ rất được lòng người hâm mộ, không chỉ bởi tài năng mà còn ở tính cách. Cô sở hữu lượng fan rất lớn, trong đó có không ít fan cuồng và không ít lần lượng fan này khiến Mỹ Tâm chịu áp lực. Sự quá khích của người hâm mộ đã khiến Mỹ Tâm rất buồn, cô nhiều lần phải viết “tâm thư” gửi người hâm mộ, kêu gọi fan hành xử có văn hóa, không lên trang cá nhân của các ca sĩ khác bình luận với những lời lẽ xúc phạm nghệ sĩ.

Ngoài ra gần đầy, không ít khán giả đã dùng “biển đen im lặng” để tỏ thái độ với một nghệ sĩ mà mình không thích. Tức là khi nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, khán giả phía dưới tắt đèn và không cổ vũ. Đây được xem là hành động “trừng phạt” khá khủng khiếp của cộng đồng khán giả dành cho người nghệ sĩ mà họ phản đối. Không ít ca sĩ Việt đã phải nhận điều này, thậm chí họ còn bị khán giả, những anti-fan “tấn công” trực tiếp trên sân khấu khi biểu diễn, bằng cách ném đá, chai lọ, cà chua… ở những sân khấu không có lực lượng an ninh bảo vệ.

Không ít nghệ sĩ bị rơi vào tình huống khó xử vì những hành động như thoải mái ôm, hôn và tặng hoa không đúng lúc của khán giả.

Phản ứng của nghệ sĩ khi bị khán giả “tấn công”

Mới đây, mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ một lần nữa làm “nóng” dư luận, thậm chí gây ra cuộc tranh cãi gay gắt, về chuyện hành xử ra sao khi bị khán giả quá khích tấn công. Khi đang diễn hài trên một sân khấu ở Tây Ninh vào tối 8.2, Trường Giang bị ném chai nước lên sân khấu.

Lúc đầu khán giả liên tục lên sân khấu tặng hoa khiến nam danh hài không thể tập trung diễn. Anh còn nói những câu trêu đùa hài hước khi nhận hoa của từng người, nhưng sau đó, Trường Giang đã yêu cầu lực lượng bảo vệ hỗ trợ để không làm ảnh hưởng đến màn biểu diễn. Không biết có phải vì câu nói này mà liên tục có những “vật thể lạ” bay lên sân khấu. Thấy vậy, Trường Giang  tức giận bỏ diễn bước vào trong cánh gà và nói: “Nghệ sĩ diễn mà quý vị ném chai nước như vậy thì làm sao diễn được nữa”.

Sau khi những video về sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã không đồng tình với cách ứng xử của Trường Giang. Họ cho rằng anh không nên vì bị một vài khán giả quá khích mà “bỏ rơi” hàng nghìn khán giả còn lại. “Biết là người ta ném chai. Nhưng cũng không phải vì một con sâu làm rầu nồi canh. Còn biết bao nhiêu khán giả bỏ tiền ra để được xem. Đồng ý khán giả kia sai. Nhưng diễn viên cũng phải biết cách ứng xử  cho người ta nể. Bỏ vào hậu trường vậy chỉ làm họ ghét thêm thôi” – một khán giả bình luận.

Thật ra chuyện nghệ sĩ đi diễn bị ném đồ, gặp fan quá khích là “chuyện thường ở huyện”. Bất cứ ai trong đời đi diễn đều nếm trải cảm giác ngao ngán đó. Khi bị rơi vào những tình huống “dở khóc, dở cười” này, mỗi nghệ sĩ có cách ứng xử khác nhau, người bình tĩnh xem như không có chuyện gì xảy ra, người bỏ về giữa chừng, người giận dữ… Ca sĩ Cẩm Ly từng hoảng sợ, mất bình tĩnh khi bị khán giả ném rắn lên sân khấu. Tuấn Hưng nổi nóng, thách thức khán giả vì bị ném ly lên sân khấu. Thậm chí có lần anh còn dọa “cắt gân” anti-fans vì để lại lời bình luận khiếm nhã trên facebook của mình.

Một số nghệ sĩ khác như Chí Tài, Thu Trang, Bảo Thy đều chọn cách ứng xử như Trường Giang, tức là sẽ không biểu diễn nữa khi gặp những khán giả quá khích. Trong khi đó, nghệ sĩ hài Thu Huyền, Giang Còi từng bị ném đá chảy máu đầu trên sân khấu nhưng vẫn không bỏ về vì danh dự với bầu show và tình yêu với số đông khán giả còn lại. Có người thì tự đề cao cảnh giác, luôn có vệ sĩ đi theo mỗi khi biểu diễn ở tỉnh, hay quán bar, bởi không gì bằng tự bảo vệ mình.

Cần hành xử có văn hóa

Sau phản ứng bỏ diễn nửa chừng của Trường Giang , không ít người giận dữ, chỉ trích anh là nóng tính, vội vàng, không tôn trọng những khán giả còn lại. Điều này không phải không có lý, vì những người bỏ tiền đến xem nghệ sĩ trình diễn đều có mong muốn thưởng thức những tiết mục hay, ngoài chuyện được thấy thấy thần tượng “bằng xương bằng thịt”. Và đương nhiên họ có quyền đòi hỏi và tỏ thái độ khi nghệ sĩ trình diễn không như mong đợi, không xứng đáng với số tiền họ đã bỏ ra mua vé.

Nhưng khán giả đôi khi vì quá hâm mộ thần tượng, hoặc không khéo léo trong cách hành xử, đã trở thành kẻ phá đám. Khi nghệ sĩ đang chăm chú biểu diễn thì thi nhau lên tặng hoa, đòi chụp ảnh, không chỉ làm ảnh hưởng đến nghệ sĩ mà cả những khán giả khác đã mất tiền mua vé vào xem. Lúc cần cổ vũ thì lặng im, lúc không nên lại vỗ tay, hú hét. Hoặc nếu không thích, lần sau khán giả có thể không mua vé xem nghệ sĩ biểu diễn nữa, còn khi đã chấp nhận là khán giả của show diễn, thì nên tôn trọng nghệ sĩ và cả những khán giả khác, cần ứng xử có văn hóa, chứ không phải bằng cách “động chân, động tay”.

Nói như một ca sĩ: “Nghệ sĩ và khán giả đều cần phải học cách tôn trọng nhau. Khi đã biết tôn trọng nhau, nghệ sĩ sẽ nỗ lực rèn luyện tài năng để cống hiến, còn khán giả cũng trở thành công chúng thưởng thức nghệ thuật văn minh”.  

Sự yêu mến của người hâm mộ luôn là động lực, niềm tự hào của nghệ sĩ, nhưng đôi khi sự hâm mộ thái quá lại đẩy họ vào thế khó. Có những khán giả vì quá yêu mến ca sĩ, thần tượng này mà trở thành anti-fans của ca sĩ khác. Có nghệ sĩ vì hành xử quá khích của fan, mà nổi giận bỏ diễn, làm ảnh hưởng đến những khán giả khác. Suy đi tính lại, nghệ sĩ và khán giả Việt đều nên học cách biết tôn trọng lẫn nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn