MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương cho người lao động sẽ giúp họ bớt khó khăn hơn trong bối cảnh giá các mặt hàng tăng cao như hiện nay. Ảnh minh họa: Bảo Hân

Doanh nghiệp tăng lương để chia sẻ với người lao động

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 02/07/2022 11:43

Ngày 1.7, Nghị định 38 về lương tối thiểu vùng chính thức có hiệu lực. Theo khảo sát của phóng viên, nhiều doanh nghiệp đã tăng lương cho công nhân từ ngày 1.7, tuy nhiên có những doanh nghiệp không điều chỉnh lương do đã trả ở mức cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng.  

Tăng 6% lương cho người lao động  

Ông Phạm Văn Đông - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Dongwon Glove Việt Nam (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) cho biết, từ ngày 1.7, công ty tăng lương cơ bản 6% cho công nhân lao động. Mức tăng này được đưa ra sau khi Công đoàn thảo luận với chủ sử dụng lao động. Được biết, hiện lương cơ bản được công ty trả cho công nhân là 3.500.000 đồng/người/tháng - cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1.7 (3.250.000 đồng/tháng/người).  

Theo ông Đông, đầu năm 2021, công ty đã tăng lương cơ bản cho công nhân, từ 3.190.000 đồng/người/tháng lên 3.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, năm 2022 công ty đã tăng lương tổng cộng là 13%. “Sau dịch, cuộc sống của người lao động gặp khó khăn, nhất là khi giá các mặt hàng tăng cao như hiện nay, nên doanh nghiệp quyết định tăng lương để hỗ trợ người lao động theo mức tăng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Với tổng số 538 người lao động, quỹ lương của doanh nghiệp sẽ đội lên” - ông Đông nói. 

Theo ông Đông, tổng thu nhập của người lao động trong công ty ở mức 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.  

Chủ tịch công đoàn cơ sở một công ty trên địa bàn thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết, ngày 10.7 công ty mới trả lương tháng 6 cho công nhân nên thời điểm này đang lập kế hoạch cho việc tăng lương trong tháng 7. “Công ty sẽ tăng lương cơ bản của công nhân theo mức tăng của Nghị định 38. Hiện công ty đang trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng (vùng 2), nên sẽ tăng lương theo đúng quy định” - chủ tịch Công đoàn cơ sở này nói.  

Vai trò thương lượng của Công đoàn cơ sở  

Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Atis Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) - cho biết, hiện công ty có khoảng 1.200 công nhân lao động, lương cơ bản của công nhân là 5.120.000 đồng/tháng. Hằng năm, công ty vẫn tăng lương cho người lao động nên khi lương tối thiểu vùng tăng, công ty vẫn trả lương cho người lao động đảm bảo trên mức lương tối thiểu vùng quy định. 

Theo ông Nhân, năm nào công ty cũng có kế hoạch, lộ trình tăng lương. Dự kiến, từ ngày 1.1.2023, công ty sẽ điều chỉnh tăng lương cho người lao động. “Ban Chấp hành công đoàn sẽ thương lượng, đề xuất với công ty. Sau khi 2 bên đạt được thoả thuận về mức tăng, chúng tôi sẽ tăng lương cho công nhân lao động” - ông Nhân cho biết.  

Còn tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh - cho biết, qua nắm bắt, có những doanh nghiệp đã quyết định tăng lương cơ bản cho công nhân từ ngày 1.7. Đây là những doanh nghiệp đang trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của khu công nghiệp. Cụ thể, mặt bằng lương chung trong khu công nghiệp khoảng 4,7-4,8 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp đang trả 4,5 triệu đồng/người/tháng sẽ tăng lương.  

Bên cạnh đó, có những đơn vị đã tăng lương từ đầu năm và hiện đã trả lương cơ bản lên tới 4,8-4,9 triệu đồng/người/tháng nên chưa có quyết định tăng, Công đoàn cơ sở vẫn đang đàm phán.

“Liên quan đến tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7, Công đoàn các Khu công nghiệp chỉ đạo các công đoàn cơ sở họp ban chấp hành để tìm giải pháp; đặt lịch đối thoại với chủ sử dụng lao động. Đơn vị nào gặp khó khăn trong đối thoại với doanh nghiệp thì báo cáo về công đoàn các khu công nghiệp để được hướng dẫn, hỗ trợ. Đến nay, chưa có công đoàn cơ sở nào gửi báo cáo gặp khó khăn trong đối thoại" - ông Quyết chia sẻ. 

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, không phải người lao động nào cũng thuộc diện được tăng lương tối thiểu vùng. Tuy vậy lương tối thiểu vùng tăng sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhờ việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội mà mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng được điều chỉnh tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn