MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động muốn có thời gian làm thêm để tăng thu nhập, nhưng cũng cần thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng giờ làm thêm của người lao động: Tăng cường công tác giám sát của CĐCS

Hà Anh - Quế Chi LDO | 26/03/2022 07:22
Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động (NLĐ) được nâng từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm… Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, các cán bộ công đoàn (CĐ) đều cho rằng, việc tăng giờ làm thêm của NLĐ không phải là yếu tố chính để tăng năng suất lao động.

Doanh nghiệp cần tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất bảng mạch điện tử, lắp ráp linh kiện điện tử, đóng tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) nêu quan điểm: “Theo tôi tăng giờ làm thêm không phải là yếu tố chính để tăng năng suất lao động. Để tăng năng suất lao động doanh nghiệp cần đào tạo nhiều kỹ năng cho NLĐ, giúp họ trau dồi và thực hành nhuần nhuyễn để các kỹ năng đó như là bản năng, khi đó công việc của NLĐ sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Bên cạnh kỹ năng, NLĐ cũng rất cần có sức khỏe tốt để đáp ứng công việc hằng ngày. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường làm việc (không khí, nhiệt độ, cách bố trí nhà xưởng...) cũng ảnh hưởng nhiều tới năng suất lao động”.

Theo ông Hải, việc CĐ giám sát chủ sử dụng lao động áp định mức làm thêm giờ của NLĐ là rất cần thiết. 

“Nếu cán bộ CĐCS buông lỏng, không sao sát việc áp giờ làm thêm thì sớm muộn sức khỏe của NLĐ, đoàn viên của bị ảnh hưởng. Có rất nhiều cách để giám sát, nhưng một trong những cách đơn giản nhất đó là Ban chấp hành CĐCS phải thường xuyên lắng nghe các đầu mối thông tin của cán bộ CĐ bộ phận. Ngoài ra, cán bộ CĐ cũng cần thường xuyên xem xét các bảng đăng ký sắp ca, tăng ca của NLĐ để có thông tin đầy đủ và chi tiết. Nắm bắt được tình hình sức khoẻ của đoàn viên, NLĐ qua hồ sơ chứng từ thanh toán BHXH của NLĐ... để nắm được tình hình sức khỏe của họ, từ đó có cơ sở để góp ý với chủ sử dụng lao động trong việc điều chỉnh giờ làm thêm” - ông Hải cho hay.

CĐCS cần đẩy mạnh công tác giám sát

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Thực tế các DN luôn sợ mất quá nhiều thời gian và chi phí vào việc đào tạo NLĐ. Nhiều DN sau khi được nhận NLĐ vào chỉ đào tạo mấy tiếng đồng hồ đã yêu cầu họ phải làm tạo ra sản lượng năng suất bằng NLĐ cũ đã có tay nghề, khi không đạt được năng suất thì tiến hành yêu cầu làm thêm tăng ca kéo dài thời gian để đạt được tổng sản lượng. Để tăng năng suất lao động DN cần đầu tư vào công tác đào tạo NLĐ trước khi bắt tay vào công việc;  cải tiến máy móc, công nghệ, động viên khuyến khích NLĐ tích cực phát huy sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, không ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Có chính sách tăng lương, khen thưởng khích lệ kịp thời.

“Hiện nay do ảnh hưởng của dịch nên NLĐ muốn tăng ca do thời gian dài thu nhập bị sụt giảm, nhưng nếu bị khai thác quá mức, NLĐ cạn kiệt sức lực, ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất lao động sẽ không được cải thiện như mong muốn” - ông Thái nhận định.

Ông Thái cho rằng, để đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của NLĐ, tổ chức CĐ, nhất là CĐCS cần đẩy mạnh công tác giám sát. “Mỗi phân xưởng đều có tổ trưởng CĐ cùng tham gia sản xuất, nắm được thời gian kế hoạch làm thêm giờ hàng ngày và khi có kế hoạch làm thêm giờ, cán bộ CĐ tham vấn cho NLĐ biết; trước khi tiến hành làm thêm thì DN phải thông báo và thỏa thuận về thời gian làm thêm giờ thực tế hằng ngày với NLĐ, sau đó NLĐ tình nguyện ký vào danh sách đăng ký làm thêm giờ hằng ngày thì cán bộ CĐ sẽ giám sát chặt chẽ, có ý kiến nhằm hạn chế DN áp dụng tăng giờ làm thêm quá nhiều, để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ” - ông Thái nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Thái cho rằng, CĐCS cũng phải thương lượng với chủ doanh nghiệp việc xây dựng quy chế chi trả lương thêm giờ rõ ràng, công khai với NLĐ, được ghi rõ trong thỏa ước lao động tập thể. Hằng tháng CĐ tập hợp ý kiến NLĐ về vấn đề làm thêm giờ để nắm bắt và thương lượng với chủ doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp. Phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại DN…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn