MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ở Hải Phòng đều ủng hộ việc tăng giờ làm thêm không quá 60 giờ/tháng, 300 giờ/năm. Ảnh minh hoạ: Mai Dung

Tăng giờ làm thêm phải đi đôi với nâng cao phúc lợi người lao động

Mai Dung LDO | 26/03/2022 11:16
Trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau dịch, phần lớn các doanh nghiệp ở Hải Phòng đang phải huy động, bố trí người lao động làm thêm giờ. Không chỉ doanh nghiệp, người lao động cũng ủng hộ việc tăng thời giờ làm thêm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tăng ca giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch

Ngày 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động: Nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của phần lớn người lao động.

Chị Phạm Thị Liên - công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Nomura cho biết, vợ chồng chị đều là công nhân, nếu chị Liên chỉ tăng ca khoảng 2-3 ngày/tuần thì chồng chị Liên thường xuyên làm thêm giờ. “Trong thời buổi mọi vật giá leo thang, được là thêm giờ là nguyện vọng của đại đa số công nhân. Riêng với gia đình tôi, việc làm thêm giờ giúp nâng cao thu nhập, giảm áp lực kinh tế, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn” - chị Liên cho biết.

Anh Đỗ Công Hoà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Máy văn phòng Kyocera (Khu công nghiệp VSIP) cho biết: Thời điểm hiện tại, Công ty Kyocera đang thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải huy động làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng nhưng vẫn chưa đáp ứng tiến độ các đơn hàng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm không quá 60 giờ/tháng trong thời điểm hiện nay là phù hợp, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất và thương mại Sơn Thuỷ (quận Hồng Bàng) cho rằng, việc tăng thời gian làm thêm là hợp lý, nhất là với những doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ đơn hàng. “Hiện, người lao động tại Công ty Sơn Thuỷ hầu hết không phải làm thêm giờ hoặc làm thêm không quá 1 giờ/ngày. Tuy nhiên, hầu hết công nhân công ty là lao động lâu năm, là người địa phương. Còn ở các khu công nghiệp, hầu hết là lực lượng lao động trẻ, ngoại tỉnh, nhu cầu làm thêm giờ, cải thiện thu nhập là rất lớn” - ông Cường cho biết.

Linh hoạt để bảo đảm sức khoẻ nLĐ

Liên quan đến việc tăng giờ làm thêm, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cũng cho rằng, giai đoạn phục hồi sau dịch nên tăng giờ làm thêm. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu lao động, tuyển dụng rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Quang, khi các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, kinh doanh thì nên điều chỉnh giờ làm thêm để bảo đảm sức khoẻ của người lao động.

Để động viên người lao động, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và thương lượng nâng lương và một số chế độ, phúc lợi cho người lao động. Đến nay, đã có 54 doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng lương năm 2022 cho người lao động với mức bình quân 200.000 đồng/người/tháng. Đến thời điểm khoảng tháng 6, khi các doanh nghiệp cơ bản phục hồi, ổn định sản xuất, các cấp công đoàn tiếp tục thương lượng để bảo đảm 2 bên doanh nghiệp - người lao động cùng có lợi.

Còn theo ông Đỗ Công Hoà - Chủ tịch Công đoàn Công ty Kyocera Việt Nam: Việc tăng thời gian làm thêm giờ không quá 60 giờ/tháng chỉ nên thực hiện trong một thời điểm nhất định, sau đó cần điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm sức khoẻ người lao động. Công đoàn cơ sở cũng sẽ có những kiến nghị nâng cao chế độ cho người lao động trong thời điểm tăng ca kéo dài như tăng tiền làm thêm giờ (luỹ tiến), bổ sung bữa ăn ca…

Theo đại diện Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động Hải Phòng, hiện phần lớn các doanh nghiệp ở Hải Phòng phải huy động người lao động làm thêm giờ, một số đơn vị đang áp dụng thời giờ làm thêm cao hơn so với quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ, phục hồi sản xuất.

“Việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ lên không quá 60 giờ/tháng nhưng vẫn bảo đảm không quá 300 giờ/năm sẽ tránh được tình trạng làm thêm giờ kéo dài, vẫn bảo đảm thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Chưa kể, việc huy động làm thêm giờ vẫn phải dựa trên thoả thuận với người lao động, người lao động không có nhu cầu hoặc sức khoẻ không bảo đảm có thể không làm thêm giờ. Trong trường hợp này, tổ chức Công đoàn ngoài việc giám sát thực hiện chế độ, tiền lương làm thêm giờ sẽ thương lượng với doanh nghiệp các chế độ, phụ cấp để khuyến khích người lao động làm thêm giờ” - ông Vũ Ngọc Thức - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn