MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân một doanh nghiệp chế biến nông sản ở Long An. Ảnh: K.Q

Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1.7 là phù hợp

Kỳ Quan LDO | 19/04/2022 10:28
Ở tỉnh Long An, hầu hết người lao động, cán bộ Công đoàn, chủ doanh nghiệp cho rằng tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7.2022 là hợp lý.

Chị Trần Thị Lan - công nhân Công ty TNHH Shilla Bags (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - cho rằng, với mặt bằng giá cả sinh hoạt ở Đức Hòa hiện nay thì lương tối thiểu vùng (vùng 2, chưa đến 4 triệu đồng) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động như chị. Với mức lương tối thiểu vùng (vùng 2) là 3,92 triệu đồng, cộng với mức tăng dự kiến 6% là 240.000 đồng thì mới được 4.160.000 đồng thì vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo chị Lan, mức sống tiết kiệm lắm của một người lao động tại huyện Đức Hòa phải trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể người lao động còn phải chi phí nuôi con, ốm đau, bệnh tật… Thực tế cho thấy, chị Lan được doanh nghiệp trả mức lương cao hơn nhiều mức lương tối thiểu vùng nhưng cũng chỉ đủ chi phí cuộc sống tiết kiệm.

Chị Lan cho biết, người lao động như chị rất vui trước thông tin lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng 6% từ ngày 1.7 tới và mong đứng vì bất cứ lý do gì mà phải trì hoãn.

Còn theo ông Lê Công Lập - Chủ tịch CĐCS CtyTNHH Shilla Bags - sau 2 năm mới điều chỉnh lương tối thiểu vùng ở mức 6%, tính ra tiền lương thực chất của người lao động đã giảm, sức mua của đồng lương không còn được như trước. Nhưng ở khía cạnh khác, dịch bệnh kéo dài, đến nay cũng chưa thật sự ổn định, đã và đang làm cho doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều chi phí gia tăng, cần có sự hài hòa khó khăn của các bên. Vì vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là hợp lý, có thể chấp nhận được.

Ông Lập cho rằng, người lao động đã chờ đợi tăng lương tối thiểu vùng quá lâu vì vậy mà không nên trì hoãn, kéo dài sau thời điểm 1.7.2022.

Cũng theo ông Lập, mức lương tối thiểu vùng được đơn vị của ông dùng để tham khảo, còn tiền lương thực tế của người lao động phụ thuộc phần lớn vào tay nghề, năng suất lao động và thâm niên làm việc và luôn cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng.

Bà Huỳnh Thị Kim Châu - Giám đốc Cty Thép Toàn Tâm (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) - cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 do dịch COVID-19 đã làm cho tiền lương thực chất của người lao động bị giảm; nhưng doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nên cần có sự chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, việc điểu chỉnh tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 như Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất là hợp lý.

“Với những doanh nghiệp không sử dụng nhiều lao động như chúng tôi thì việc tăng lương cho người lao động không phải là vấn đề lớn. Nhưng với những doanh nghiệp sử dụng hàng ngàn lao động, chuyện tăng lương cho người lao động bao giờ cũng khó khăn ở giai đoạn đầu. Nhưng tôi nghỉ vì sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, việc chăm lo cho thu nhập, cuộc sống người lao động cần được người sử dụng lao động ủng hộ và quan tâm thường xuyên” - bà Châu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn