MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bà bầu phải nghỉ giữa chừng vì quá mệt khi phải leo thang bộ. Ảnh: NVCC

Thang máy chờ sửa chữa, công nhân phải leo bộ cả chục tầng hằng ngày

Quế Chi LDO | 26/01/2022 13:00
Nhiều ngày nay, công nhân lao động đang thuê trọ tại Chung cư CT1A (khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải đi bộ lên nhà cao tầng vì thang máy dừng hoạt động.

Dừng hoạt động thang máy để chờ sửa chữa  

Trước đó, ngày 10.1, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà nội) - đơn vị quản lý, vận hành toà nhà - ra thông báo dừng hoạt động thang máy nhà CT1A, CT2 tại khu nhà ở công nhân Kim Chung.  

Theo đó, Xí nghiệp thông báo, tạm dừng hoạt động 2 thang máy nhà CT1A để chờ sửa chữa, thay thế thiết bị hỏng và kiểm định tại 2 thang máy (2 thang máy hết kiểm định ngày 15.11.2021); tạm dừng 2 thang máy nhà CT2 để chờ sửa chữa thay thế thiết bị hỏng và kiểm định lại 2 thang máy (2 tháng máy hết kiểm định ngày 15.11.2021).  

Thông báo cho biết, tất cả các thiết bị thang máy hỏng của 2 nhà CT1A, CT2 đã được đưa vào kế hoạch bảo trì 2021, 2022 đang chờ Sở Xây dựng phệ duyệt, sửa chữa, thay thế và kiểm định lại thang. Thời gian dừng hoạt động các thang máy trên là 2 tháng, từ ngày 14.1 cho đến khi được sửa chữa, thay thế thiết bị hỏng và kiểm định lại.  

Công nhân sống tại toà CT1A cho biết, sau khi có thông báo này, cả 2 thang máy tại toà nhà dừng hoạt động từ ngày 17.1.  

Anh Trần Văn V. - một công nhân lao động thuê trọ tại toà nhà CT1A - bức xúc, từ hôm thang máy dừng hoạt động, anh cũng như nhiều cư dân khác phải “cuốc bộ” lên nhà.  

“Thanh niên như tôi leo cầu thang bộ còn mệt, người già, trẻ em, hay bà bầu còn khổ hơn. Công nhân ở đây thường đi làm ca về muộn, khi đó người đã rất mệt rồi, lại còn phải leo cầu thang bộ. Nhà tôi ở tầng 11, tôi phải nghỉ 1-2 lần mới leo lên được nhà” - anh V. chia sẻ.  

Anh V. cho biết thêm, do các con chưa được đi học nên công nhân lao động thuê trọ ở đây phải đưa con đi gửi ở nơi khác, trong khi không đi được thang máy, khiến họ lại càng vất vả, mất thời gian hơn. Có người về quê, mang đồ lên, phải đi bộ, xách đồ lỉnh kỉnh, rất khổ sở.  

“Tôi ở tầng 11, diện tích căn hộ là 60m2, giá dịch vụ là 4.000 đồng/m2/tháng, tính ra tôi phải trả 240.000 đồng tiền dịch vụ/tháng. Trong khi đó, toà nhà này có 15 tầng, mỗi tầng có 8 căn hộ, phòng nhỏ nhất là 53m2, phòng rộng nhất là 60m2” - anh V. nói thêm.  

Anh V. bức xúc, có thời điểm thang máy hỏng 5-6 tháng; còn hỏng 1-2 tháng xảy ra nhiều lần. “Trong khi phí dịch vụ người thuê nhà vẫn đóng đầy đủ thì không hiểu số tiền đó chi vào việc gì mà dân vẫn phải đi bộ” - anh V. cho hay, đồng thời nêu kiến nghị mong muốn cơ quan chức năng có phương án tốt nhất để tạo thuận lợi cho cư dân đi lại đỡ khổ.  

Còn anh T. - một cư dân tại khu chung cư - cho biết, do thang máy dừng nên nhiều hộ gia đình hết gas nhưng không thể thay, phải nhờ hàng xóm hoặc dùng bếp từ.

“Sắp tới, nhiều hộ dân về quê ăn Tết, mang theo nhiều đồ đạc không biết sẽ mang vác, di chuyển như thế nào” - anh T. nói.  

Cần thay đổi quy trình!  

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Minh Tuân - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội - cho biết, ông chia sẻ và đồng ý với ý kiến của công nhân thuê trọ: Nộp tiền nhà đầy đủ, phí dịch vụ đầy đủ thì đương nhiên được hưởng các dịch vụ theo quy định.  

Ông Tuân giải thích, xí nghiệp là đơn vị cung cấp dịch vụ, khi thu tiền thuê nhà, tiền dịch vụ thì 100% thu đều nộp hằng tháng về tài khoản của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội theo quy định tại Thông tư 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày ngày 3.8.2016 hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc ở hữu nhà nước; thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.  Ông Tuân cho biết, khi thực hiện các quy trình bảo trì, bảo dưỡng thì rất vướng.

“Đến bây giờ, chúng tôi khốn khổ vì thang máy. Thi thoảng hỏng còn khắc phục được, nhưng nay thang máy bắt buộc phải dừng vì đã hết hạn kiểm định” - ông Tuân nói.

Ông Tuân cho rằng, điều bất cập ở đây là quy định: Xí nghiệp phải lập dự toán kế hoạch hằng năm, ví dụ năm 2021 thì tháng 10.2020 phải lập dự toán kế hoạch xong; năm 2022 thì tháng 10.2021 phải xong, báo cáo công ty, công ty báo cáo Sở Xây dựng, Sở phê duyệt rồi mới được làm. “Nhưng Sở Xây dựng chẳng phê duyệt, toàn bộ đầu mục, công việc liên quan đến bảo trì, sửa chữa năm 2021 đều không cho làm, chuyển sang năm 2022” - ông Tuân nói.  

Ông Tuân đề nghị cần cho phép Xí nghiệp có một quỹ dự phòng để dùng cho những sự cố đột xuất, bất khả kháng. Tuy nhiên, Xí nghiệp kiến nghị nội dung này rất nhiều lần nhưng không được chấp thuận vì sai quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn