MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Vũ Huấn nghỉ ở nhà, không có thu nhập từ dịp 30.4 đến nay. Ảnh: Bảo Hân

Lao động tự do “chấp nhận Tết này bánh chưng không có thịt”

Quế Chi LDO | 07/12/2021 16:08

Hà Nội - “Tôi chấp nhận Tết này “bánh chưng không có thịt”, còn hơn là kiếm được “bánh chưng có thịt” nhưng lại đánh đổi bằng sức khoẻ của gia đình” - anh Vũ Huấn (37 tuổi), lao động tự do làm nghề xây dựng, tâm sự như trên khi được hỏi về việc làm dịp cuối năm.  

Tiêu "lẹm" vào khoản tiền tích góp 

Anh Huấn cùng gia đình thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh “tập hợp” những lao động tự do khác để cùng đi làm các công trình xây dựng.

Từ ngày 30.4 đến nay, anh Huấn ở nhà. Trước đây, cuối năm là thời điểm anh Huấn bận rộn nhất, làm không hết việc, nhưng năm nay, chủ yếu anh ở nhà, đồng nghĩa với không có thu nhập.  

“Thời điểm này, Hà Nội có nhiều ca COVID-19. Hơn nữa, cuộc sống tha hương, ở trọ rất khó khăn, nên nhiều lao động đang ở quê không muốn xuống làm” - anh Huấn giải thích.  

Theo anh Huấn, việc làm không phải không có, nhưng có nhiều việc anh không muốn, không dám làm.

“Có những nơi yêu cầu phải test nhanh COVID-19 thì mới được làm việc. 3 ngày một lần test, mỗi lần test phải mất hơn 200.000 đồng. Chi phí này mình phải trả thì chịu sao nổi, tiền đi làm không đủ để trả tiền test” - anh Huấn lý giải.  

Cũng có những đơn vị chịu chi trả tiền test, nhưng anh Huấn vẫn đành nói không, vì thường những nơi làm đó rất đông người, nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân cũng như vợ con.

"Nếu chẳng may bị lây nhiễm thì kéo theo rất nhiều hệ luỵ, như phải đi cách ly. Đấy là chưa kể, nếu mình chẳng may nhiễm bệnh, đi về quê còn nguy cơ lây nhiễm cho bố mẹ - những người đã lớn tuổi"- theo anh Huấn.   

“Tôi có thể chấp nhận đói, ăn Tết “bánh chưng không có thịt”, còn hơn được ăn “bánh chưng có thịt” nhưng nguy cơ đối với sức khoẻ của cả gia đình” - anh Huấn bày tỏ quan điểm.   

Nghỉ việc trong nhiều tháng, không có thu nhập, anh Huấn phải tiêu “lẹm” vào những đồng tiền mà anh đã dành dụm, tích góp. Hàng tháng, anh phải trả tiền thuê nhà, điện nước, tiền mạng Internet, ăn uống, sinh hoạt… lên tới 6-7 triệu đồng. 

“Từ ngày 30.4 đến nay, số tiền tích góp của tôi đã dần cạn kiệt rồi”- anh Huấn nói. 

Vợ anh Huấn là người duy nhất trong gia đình đang làm ra tiền. Thu nhập từ làm công nhân của chị được 5-7 triệu đồng/tháng. Nhưng chị mới chỉ trở lại đi làm được 20 ngày nay…  

Bị nợ lương, vật vã mới tìm được việc

Khác với anh Huấn, chị Cà Thị L (quê Sơn La, thuê trọ tại đường Vũ Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không có lựa chọn mà đành phải chấp nhận Tết này "bánh chưng không có thịt". Để lại các con ở quê, nhờ ông bà chăm sóc, chị tha hương lên Hà Nội kiếm sống. 

Trước đây, chị L nấu ăn thuê cho nhóm thợ xây. Tuy nhiên, chị L cho biết, do khúc mắc xảy ra với “cai” lao động mà chị L hiện vẫn còn bị nợ 2 tháng tiền lương (khoảng 10 triệu đồng).

Sau một thời gian về quê, cách đây 2 tuần, chị L lại lên Hà Nội để kiếm việc. “Ở quê chẳng biết làm gì, tôi đành lên Hà Nội mong có được công việc mới. Nhưng “thân cô, thế cô”, tôi chẳng biết xin việc ở đâu”- chị L kể lại.  

Ngồi chơi 2 tuần, không có thu nhập, cuối cùng, qua các mối, chị được nhận đi làm trong một công trình xây dựng nằm trên đường Lê Văn Lương.

“Mỗi ngày, tôi được trả 200.000 đồng, nhưng công việc rất vất vả. Tôi mới làm được 2 ngày, chưa được trả đồng tiền công nào”- chị L nói.  

Nơi chị L đang làm việc. Ảnh: NVCC 

“Bố mẹ tôi gọi điện liên tục bảo gửi tiền về đóng học cho con (chị L có 2 con, đang được gửi cho ông bà chăm sóc), nhưng tôi bị nợ tiền lương, rồi mãi mới tìm được việc, nên không thể "xoay" được tiền để gửi về nhà. Tôi chẳng biết nói sao với bố mẹ. Công việc mới này phải làm một vài ngày mới có thể được ứng tiền công, nên giờ tôi đang rất khó khăn, không biết xoay xở đâu để ra tiền, nhất là khi đã năm hết, Tết đến như này”- chị L cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn