MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biệt đội nữ xe ôm chở khách băng rừng lên “nóc nhà Miền Tây”

Tạ Quang LDO | 10/01/2022 14:00

An Giang - Trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - ngọn núi cao nhất ĐBSCL, thường được ví là “nóc nhà Miền Tây”) có không ít những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm chở khách hành hương. Họ bất chấp những hiểm nguy - đường đèo dốc khó đi, thời tiết khắc nghiệt...

This browser does not support the video element.

Biệt đội nữ xe ôm chở khách băng rừng lên “nóc nhà Miền Tây”.
Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) từ lâu đã mang trong mình những bí ẩn không thể lý giải. Khách thập phương từ khắp nơi đổ về chiêm bái núi Cấm ngày một đông. Từ đó, dịch vụ xe ôm núi Cấm cũng đi vào hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi. Mỗi cuốc xe là một cuộc thử thách đầy mạo hiểm, đánh đu mạng sống trên cung đường đá.
Chị Trần Thị Mỹ Lào (34 tuổi, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lái xe ôm cho biết, chị đã theo nghề được 4-5 năm nay. Theo chị, cũng vì miếng cơm manh áo chị và một số chị em mới chọn nghề này để con nhỏ biết cái chữ với con người ta nên phải căng mình bám núi mưu sinh.
Chị Lào cũng cho biết, trước kia đường lên núi gồ ghề, gập ghềnh, ngổn ngang sỏi đá, phải khiêng xe lên hơn nửa đường mới có thể chạy lên để đưa, đón khách. Người ngồi sau xe lúc nào cũng hồi hộp, tim muốn “nhảy” ra ngoài. Còn bây giờ, hầu hết đường được đổ bê tông, tráng nhựa nên dễ đi, chỉ trừ lúc đổ và leo dốc đứng là khá nguy hiểm.
“Thời gian đầu rất là gian nan, vì khách chưa tin tưởng vào tay lái của phụ nữ luôn coi tay lái đàn ông cứng hơn. Những lần như vậy chúng tôi càng phải cố gắng thuyết phục để cho khách đi, để lấy được sự yên tâm của khách chúng tôi cần phải xử lý được mọi tình huống trên các cung đường của núi và không được phép mắc sai lầm”, chị Lào kể.
Chia sẻ thêm lúc mới chập chững vào nghề chị nói, mới đầu chồng không cho chạy vì nghề cũng nguy hiểm và thân con gái nhưng vì miếng cơm nên cũng đã thuyết phục được chồng cho chạy.
“Nghề xe ôm chủ yếu “lấy ngày đông nuôi ngày vắng”. Mỗi ngày, một người chở khoảng 1 - 2 lượt khách. Thời điểm “bội thu” là những dịp lễ, Tết, có thể kiếm 500.000 – 1.000.000 đồng/ngày. Nhưng giờ dịch, khách cũng hạn chế đi nên kiếm không được là bao nhiêu khoảng 200.000 đồng/ngày”, chị Lào nói thêm.
Lâu năm hơn chị Lào, bà Lê Thị Mộng (sinh năm 1972, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) với 8 năm trong nghề cho rằng, chạy xe ôm này, xe phải bảo dưỡng liên tục, từ phanh, nhông, đĩa,…để đảm bảo an toàn cho mình cũng như khách.
Với kinh nghiệm chạy xe nhiều năm của bà cũng như chia sẻ của đồng nghiệp, chỉ cần xe có tiếng nổ khác là phải đem đi sửa không nhất định vào thời gian nào phải sửa vì xe chạy liên tục lại còn leo núi nữa. 
Bà ví von cười nói: “Chạy xe ôm này không phải nghề chính, nhiều lúc không có khách mình phải đi làm nghề khác và nghề chạy xe ôm này như ông lái đò”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn