MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lắng nghe tư vấn tại Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: Vân Trang

Băn khoăn bài toán hướng nghiệp

Tường Vân LDO | 17/04/2024 07:00

Việc sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề diễn ra khá phổ biến. Thực tế này, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn bài toán định hướng nghề nghiệp từ sớm cho học sinh.

Tốt nghiệp làm trái ngành, trái nghề

Chị Trần Thị Hiệp (sinh năm 1998), hiện đang là giáo viên Mầm non tư thục. Trước đây chị học ngành Quản lý đất đai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng sau khi tốt nghiệp do công việc không ổn định, môi trường làm việc không phù hợp nên chị đã quyết định rẽ hướng học ngành Giáo dục Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Chị Hiệp chia sẻ, lúc quyết định chuyển sang ngành Giáo dục Mầm non chị đã suy nghĩ rất nhiều khi phải học lại từ đầu và bản thân cảm thấy không tự tin trong ngành mới, bỏ phí 4 năm học ngành Quản lý đất đai. Điều này đã đặt ra một áp lực rất lớn đối với chị.

“Ở thời điểm đó tôi cảm thấy tự ti về bản thân khi bạn bè đồng trang lứa đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định.

Trong khi đó bản thân chưa biết đi đâu về đâu. Bây giờ nhìn lại tôi thấy quyết định của mình dù muộn nhưng đúng đắn. Do đó, khi lựa chọn việc thay đổi hướng công việc, các bạn cần chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức, kỹ năng” - chị Hiệp chia sẻ thêm.

Chị Phạm Phương Thảo (Đống Đa, Hà Nội) từng tốt nghiệp Học viện Tài chính, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ra trường, chị lại lựa chọn công tác tại lĩnh vực truyền thông - Marketing. Chị Thảo thừa nhận, thời điểm chọn ngành nghề trước khi vào bậc đại học, chị không có định hướng cụ thể, chủ yếu chọn trường hot, trường top đầu.

“May mắn là kỹ năng ngoại ngữ ở bậc đại học cũng giúp ích cho công việc hiện tại của mình” - chị Thảo nói.

Chị Thảo, chị Hiệp không phải là trường hợp duy nhất làm trái ngành, trái nghề hiện nay. Cứ đến mỗi mùa tuyển sinh, điều khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn là làm sao chọn được ngành học phù hợp để sau 4, 5 năm học tập, ra trường, con họ có thể tìm công việc đúng chuyên ngành.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) - khẳng định, học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng.

Bà Thủy khuyên các em học sinh, sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời. Các em hãy học vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội thay vì chỉ học để có bằng cấp. Ngoài ra, nếu các em học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều.

“Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề” - Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ

Về phía doanh nghiệp, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tiếp xúc, tuyển dụng sinh viên tiềm năng tại các trường đại học, bà Trần Thị Mai, Phó Giám đốc nhân sự công ty TNHH may mặc Hoa Lệ Đạt Việt Nam cho rằng, bảng điểm ở bậc đại học có thể đánh giá khả năng tiếp thu chuyên ngành của mỗi em. Song, khi đến doanh nghiệp phỏng vấn, các em thường bị kiểm tra thêm nhiều kỹ năng ngoài sách vở xem có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không. Do đó, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, các bạn sinh viên cần tích lũy thêm nhiều kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Cùng quan điểm, ông Fujimoto Tetsuya - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Toray Industries (H.K) Việt Nam - đánh giá, các lao động trẻ thường thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích con số. Các em cần hiểu và phân tích các vấn đề về xã hội tốt hơn.

Ông Fujimoto khuyên các em sinh viên nên chăm chỉ học ngoại ngữ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bởi kỹ năng ngoại ngữ rất cần thiết với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn