MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động giúp việc gia đình. Ảnh Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bảo vệ quyền lợi lao động giúp việc gia đình qua hợp đồng lao động

LÊ HOA LDO | 16/11/2017 10:11
Dù Bộ luật Lao động 2012 quy định việc sử dụng lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) phải có hợp đồng lao động nhưng thực tế phần lớn lao động giúp việc gia đình đều không được ký kết hợp đồng. Vì vậy, quyền lợi của đối tượng này rất bấp bênh, trông chờ sự “hảo tâm” của chủ sử dụng lao động và nằm ngoài quy định của pháp luật.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng LĐGVGĐ ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn như TP Hà Nội và TP HCM. Mặc dù hành lang pháp lý đối với LĐGVGĐ đã được ban hành đầy đủ, trên thực tế người sử dụng lao động và người lao động chưa hiểu hết những quy định của pháp luật. Vì vậy, giữa LĐGVGĐ và chủ nhà chỉ thỏa ước với nhau theo “hợp đồng bằng miệng”.

Tuy nhiên, việc đưa ra một hợp đồng lao động cho nhóm lao động giúp việc gia đình lại đang gặp phải sự bất đồng từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình. Một phần, họ cho rằng, đây là những công việc giản đơn, có thể thỏa thuận miệng mà không cần đến hợp đồng lao động.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), có đến 91,6% só người giúp việc gia đình không có lương hưu và trợ cấp xã hội thường xuyên. Chỉ có khoảng 3% lao động giúp việc gia đình có BHXH, nhưng phần lớn do họ tham gia khi còn công tác tại các đơn vị khác trước khi làm giúp việc gia đình. Có 19,5% người làm công việc này có BHYT, trong đó, đa số là tự mua hoặc được Nhà nước chi trả theo diện gia đình chính sách, hộ nghèo.

Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng hợp đồng lao động dành cho đối tượng LĐGVGĐ, bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm GFCD - cho biết: "Việc người sử dụng và người lao động không kí kết hợp đồng lao động gây bất lợi cho cả hai bên. Việc xây dựng hợp đồng mẫu phù hợp với người giúp việc ở Việt Nam rất cần thiết, đúng với nhu cầu của xã hội. Hy vọng năm 2018, chúng ta xây dựng hoàn chỉnh hợp đồng lao động phù hợp với điều kiện ở Việt Nam".

Trung tâm GFCD phối hợp Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế đã xây dựng một hợp đồng mẫu trên cơ sở các điều kiện, tiêu chuẩn của công ước quốc tế, tham khảo khuôn mẫu của các nước liên quan.

Theo bà Anna Olsen, chuyên gia kỹ thuật, Chương trình TAM GIÁC ILO khu vực ASEAN cho biết: “Bản hợp đồng giúp phía người lao động và chủ sử dụng lao động thương thảo với nhau về quyền lợi. Bản hợp đồng này cố gắng đưa ra cân bằng về quyền và trách nhiệm của hai bên. Bản hợp đồng dựa trên quy định luật pháp của Việt Nam và các kiến nghị tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, những điều khoản trong hợp đồng lao động giúp họ nhận thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn