MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Chỉ 3% lao động giúp việc gia đình có bảo hiểm xã hội

LÊ HOA LDO | 10/11/2017 15:37
Đó là khẳng định của bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) tạ "Hội thảo tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp việc gia đình" tổ chức ngày 11.10.

Theo GFCD, lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) tại Việt Nam chiếm 98,6% là phụ nữ. Điều đáng nói, có tới 96,8% LĐGVGĐ chưa qua đào tạo nghề và 91,6% lao động không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên.

Hầu hết LĐGVGĐ chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan quyền lợi của NLĐ. Bên cạnh đó, 3% lao động có bảo hiểm xã hội và 19,5% lao động có bảo hiểm y tế, nhưng phần lớn tự mua hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả theo chế độ hộ nghèo, gia đình chính sách.

Theo khảo sát, có 48,6% LĐGVGĐ có ý định ký kết hợp đồng lao động với gia chủ; 18,6% người có dự định thỏa thuận về bảo hiểm y tế và chỉ 9,3% người có dự định thỏa thuận về BHXH.

Theo bà Ngô Ngô Thị Ngọc Anh, LĐGVGĐ gặp rất nhiều thách thức trong quá trình làm việc như định kiến về nghề còn nặng nề. Bên cạnh đó, bản thân LĐGVGĐ chưa có ý thức học nghề. Họ nghĩ rằng những công việc nhà đều biết hết nên không chịu trau dồi. Vì vậy, khi bước vào công việc, họ bộc lộ những yếu kém về kỹ năng và văn hóa ứng xử.

LĐGVGĐ chủ yếu là lao động nhập cư, nhóm lao động yếu, cho nên dễ bị vi phạm điều kiện làm việc và hình thức lạm dụng khác. Từ thực tế này, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục quan hệ lao động và Tiền lương cho rằng cần thiết bổ sung điều khoản đặc biệt ngoài tiêu chuẩn chung để đảm bảo được quyền lợi của nhóm lao động này. Mặc dù hành lang pháp lý đối với LĐGVGĐ đã được ban hành đầy đủ, trên thực tế người sử dụng lao động và người lao động chưa hiểu hết những quy định của pháp luật. Vì vậy, việc kí kết hợp đồng lao động chưa đầy đủ nội dung theo điều khoản quy định.

"Chúng tôi nhận thấy cần thiết phải có hợp đồng mẫu mang tính chất gợi ý, khuyến cáo để các bên có thể tham khảo đưa vào thỏa thuận hợp đồng tương đối đầy đủ. Vì vậy, Trung tâm GFCD cùng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH) và Tổ chức lao động Quốc tế đã xây dựng một hợp đồng mẫu trên cơ sở các điều kiện, tiêu chuẩn của công ước quốc tế, tham khảo khuôn mẫu của các nước liên quan", bà Tống Thị Minh cho biết thêm.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm thực tế của LĐGVGĐ ở Việt Nam và quốc tế và xem xét làm sao để khuôn khổ pháp luật có thể bảo vệ tốt hơn cho đối tượng lao động này. Qua đó, xây dựng hợp đồng tiêu chuẩn LĐGVGĐ tại Việt Nam, thúc đẩy việc làm bền vững và thái độ tích cực đối với LĐGVGĐ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn