MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Chi phí người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn quá cao

Phương Ngân LDO | 27/12/2023 15:11

TPHCM - Chưa thống nhất trong sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao... là những hạn chế trong việc đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động (XKLĐ), đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 27.12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Bá Hoan cho rằng, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho NLĐ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Từ năm 2010 đến nay, đã có 1,4 triệu NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao, tình trạng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục,...

Cần có góc nhìn, tiếp cận khác về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: BTC

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại TPHCM, cho rằng, một trong những hạn chế là chưa thống nhất trong sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương chủ yếu do doanh nghiệp làm, trong khi đúng ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì doanh nghiệp XKLĐ phải có cơ sở đào tạo hoặc liên kết đào tạo, nhưng hiện nay, việc ký hợp đồng liên kết đào tạo của doanh nghiệp chủ yếu đối phó nhằm chứng minh có cơ sở đào tạo chứ không thực hiện công tác đào tạo trên thực tế, trong khi định hướng của chúng ta là ngày càng giảm lao động phổ thông, nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi lao động nước ngoài.

“Cần có góc nhìn, tiếp cận khác về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây NLĐ tìm đến doanh nghiệp thì nay doanh nghiệp phải tìm đến NLĐ, nên phải nghiên cứu cách thu phí từ dịch vụ lao động chứ không phải thu từ NLĐ”, ông Phạm Anh Thắng nói.

Theo ông Phạm Anh Thắng, cần quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động về nước. Nếu doanh nghiệp giải quyết được bài toán đưa đi và giải quyết việc làm sau khi về nước thì chắc chắn thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được tăng lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn