MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi ngành dịch vụ nhà hàng tại kỳ thi tay nghề quốc gia 2018. Ảnh: TCGDNN

Cử nhân bị "thất sủng", học sinh học nghề "đắt hàng": Nhìn từ kỳ thi tay nghề quốc gia

Quỳnh Chi LDO | 20/05/2018 16:28

Trong 2 ngày 16 và 17.5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc thi tay nghề cấp quốc gia ở 26 nghề, với sự tham dự của 520 thí sinh trên toàn quốc. Vừa chọn "hạt giống đỏ" dự thi kỳ thi tay nghề ASEAN tại Thái Lan tháng 8 tới, vừa sàng lọc thí sinh dự kỳ thi thế giới tại Nga tháng 8.2019, kỳ thi toàn quốc còn cho thấy những lao động có tay nghề vững luôn "đắt hàng", góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.

Một điểm mới của kỳ thi tay nghề quốc gia năm nay, trước kỳ thi, ban tổ chức công bố công khai đề thi trên trang web của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, với từng môn thi ban tổ chức sẽ nêu rõ nhiệm vụ, yêu cầu kỹ thuật, danh mục nguyên vật liệu (do ban tổ chức sẽ chuẩn bị), quy cách chấm điểm với từng mô đun. Thời điểm thi, tiểu ban giám khảo của từng nghề sẽ có quyền thay đổi yêu cầu của đề thi, nhưng nội dung thay đổi không quá 30% so với đề thi đã công bố, đặc biệt là không được thay đổi danh mục nguyên vật liệu mà thí sinh sẽ phải sử dụng để làm bài thi.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó Trưởng Ban tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia cho biết, kỳ thi tay nghề không chỉ là nơi so tài những kỹ năng nghề đỉnh cao, năng lực ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới... mà còn giúp tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh tại nơi làm việc và góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Ngày nay, thành tích của mỗi quốc gia tại các kỳ thi tay nghề của khu vực và thế giới đã trở thành thương hiệu chất lượng giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Qua kỳ thi tay nghề, nhiều ngành nghề mới đã được phép đào tạo, nhiều quy định mới trong đổi mới phương pháp dạy và học, các chương trình đào tạo kỹ năng nghề đã có sự đóng góp rất lớn từ những chuyên gia trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới.

Thực tế các kỳ thi tay nghề quốc gia cho thấy, đa số thí sinh tiềm năng đều đã lọt "mắt xanh" các nhà tuyển dụng. Theo đó, cơ hội việc làm với mức thu nhập cao không chỉ đến với những thí sinh xuất sắc ngay sau kỳ thi mà nếu các em được tham dự và có giải ở kỳ thi khu vực và thế giới, các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, Honda,... cũng rộng cửa đón chào với mức lương hấp dẫn.

Chuyện các học sinh trường nghề, đặc biệt là học sinh xuất sắc được săn đón là chuyện đã diễn ra nhiều năm nay. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, nhiều buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên các ngành cơ điện, điện tử,... của nhà trường thành nơi doanh nghiệp đến "săn" người, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay tại lễ tốt nghiệp lên tới 70%, đặc biệt có ngành 100% sinh viên có nơi nhận sau khi tốt nghiệp. "Không chỉ các ngành hot, theo khảo sát của chúng tôi về cơ bản sinh viên tốt nghiệp trường nghề chậm nhất sau khoảng 6 tháng đã có việc làm ổn định", ông Ngọc nói.

Tại các phiên giao dịch việc làm, nhân lực có tay nghề tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề cũng thường được nhà tuyển dụng quan tâm hơn cử nhân đại học. Mùa thi tay nghề quốc gia năm nay, các ngành có tính ứng dụng cao như: dịch vụ nhà hàng, điện lạnh, công nghệ ô tô,... cũng được không ít doanh nghiệp đến săn đón thí sinh. Chuyện cử nhân bị "thất sủng", lao động có tay nghề được săn đón đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng nhận thức của nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chưa thay đổi nhiều trong quan niệm chọn trường, chọn nghề. "Thực tế này có chuyển biến, nhưng còn khá chậm", ông Đồng Văn Ngọc cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn