MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân. Ảnh Dân trí.

Đại học loay hoay tuyển sinh, trường nghề vẫn "hốt" thí sinh điểm cao

LÊ HOA LDO | 15/08/2018 18:04
Trong một thời gian dài, nhiều bậc phụ huynh, học sinh chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp. Từ đó, hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng cho người học không đúng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Quân đánh giá, trên thế giới, tỉ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao, luôn đạt trên 50%. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề.

Thứ trưởng Lê Quân lý giải: "Tỉ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp và nhiều nguyên nhân khác. Hệ quả là chúng ta luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt. Chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy".

Vì vậy, học sinh lựa chọn nghề nghiệp phải phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn. Mỗi người cần bỏ quan niệm không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học mới lựa chọn trường nghề.  

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã mở ra nhiều cánh cửa cho học sinh. Theo đó, hết lớp 9, học sinh có thể lựa chọn học nghề theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, kết hợp với học văn hóa. Như vậy, ở tuổi 18, học sinh hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, hết lớp 12, học sinh có thể vào học trung cấp với thời gian từ 1 đến 1,5 năm hoặc học cao đẳng với thời gian từ 2 đến 3 năm. Ở đây, cơ hội việc làm đúng ngành nghề thường đạt trên 80%, Thứ trưởng phân tích.

Trả lời câu hỏi việc bỏ điểm sàn xét tuyển, nhiều trường đại học hạ điểm chuẩn dưới 15 điểm/3 môn có gây khó khăn tuyển sinh cho các trường cao đẳng, trung cấp, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: "Dù vậy, năm 2017 là năm đầu tiên các trường nghề tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Thực tế đã cho thấy xã hội đã nhìn nhận đúng khi lựa chọn trường lớp theo nhu cầu thị trường lao động.

Đến thời điểm này, các trường nghề có kết quả tuyển sinh vượt trội so với những năm trước. Trong khi nhiều đại học còn đang gặp khó trong tuyển sinh và chỉ xét tuyển học bạ, thì các trường nghề khối công nghệ, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ có kết quả tuyển sinh rất tốt. Thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao vào học nghề đã trở lên phổ biến", Thứ trưởng cho biết thêm.

Như vậy, xã hội đã có những thay đổi trong nhận thức, việc học đi vào thực chất hơn. Học là để có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến lựa chọn người có năng lực phù hợp, chứ không coi nặng bằng cấp.

Kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 học sinh, trong đó có khoảng 85 - 90% là học sinh tốt nghiệp THCS.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn