MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của thị trường cần. Ảnh: Minh Hạnh

Đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của thị trường

Đỗ Hạnh LDO | 23/06/2023 08:00

Theo kế hoạch, năm 2023, Thái Nguyên sẽ thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 40.000 người, tuy nhiên đến nay, mới đạt trên 13% kế hoạch năm. Theo các chuyên gia, để thu hút học viên tham gia học nghề các trường nghề cần phải thay đổi phương hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Chỉ tiêu đào tạo nghề đạt tỉ lệ thấp

Tỉnh Thái Nguyên có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo kế hoạch, năm 2023 các cơ sở này sẽ thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 40.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng khoảng 3.000 người, trung cấp 11.000 người, sơ cấp 15.500 người và đào tạo thường xuyên 10.500 người.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 5.500 người (đạt 13,75% kế hoạch năm). Trong đó, trình độ cao đẳng là 200 người; trung cấp 800 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 4.500 người.
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất là chất lượng đầu vào của học sinh thấp, trình độ không đồng đều, nhận thức của một bộ phận học sinh hạn chế, mục tiêu chưa rõ rệt dẫn tới tình trạng trây lười, chưa có ý thức tự giác trong học tập.
Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cần phải thường xuyên tổ chức các ngày hội, phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu thông tin thị trường lao động cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác các dữ liệu về cung - cầu lao động và từng bước số hóa để sớm đưa ra những dự báo về thị trường lao động, góp phần thông tin kịp thời về chính sách lao động, việc làm, định hướng thông tin và củng cố niềm tin của NLĐ, doanh nghiệp vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

Đào tạo theo nhu cầu thị trường

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trương Văn Biển - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên - cho biết, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học viên phải xây dựng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện số lượng giáo viên của một số nghề mới còn thiếu, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và không chủ động trong việc phân kế hoạch giáo viên.
Để đảm bảo việc làm và thu nhập cho học viên sau khi ra trường, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên đã kết hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường cần gì đào tạo đấy. Do đó, học sinh sau khi tốt nghiệp các hệ đào tạo tại trường đều được tư vấn giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phần lớn học viên có thu nhập ngay từ khi đi thực tập. “Trên 90% học sinh có việc làm ngay sau khi ra trường, khoảng 10% còn lại về địa phương phát triển kinh tế gia đình” - ông Biển cho hay.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động Thương binh Xã hội) Thái Nguyên cho rằng, ngoài dự báo về nhu cầu cần tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cần phải đưa ra dự báo về các ngành nghề xã hội đang có nhu cầu lớn và cảnh báo một số ngành nghề không còn phù hợp với xu hướng phát triển chung. Qua đó có hướng điều chỉnh, chọn lọc, đầu tư ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng thị trường lao động, ngoài việc chuyển tải thông điệp của nhà tuyển dụng đến NLĐ, cũng cần chuyển tải nguyện vọng của NLĐ đến doanh nghiệp một cách chính xác, tạo chuỗi liên kết lâu dài giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo với thị trường lao động như thông tin về nhu cầu cần tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục - đào tạo nghề thông qua các tuần lễ cao điểm kết nối cung - cầu lao động để thu hút học sinh, sinh viên tham gia và tìm hiểu những thông tin về thị trường lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn