MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp khát nhân sự, sinh viên mới ra trường vẫn loay hoay tìm cơ hội

CẨM TÚ LDO | 04/07/2023 06:32

Trong khi các doanh nghiệp vẫn thông báo thiếu nhân sự, các trang tuyển dụng vẫn liên tục cập nhật tin tức tuyển dụng, nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn loay hoay để tìm cho mình một công việc phù hợp.

Chật vật tìm việc

Dù sống ở một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh nhưng Lý Như Ý (22 tuổi, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế) cũng rất chật vật trong việc tìm kiếm cho mình một công việc ổn định khi vừa ra trường.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi rong ruổi suốt mấy tháng liền trên TP Hồ Chí Minh để tìm công việc cho mình. Trong khi các doanh nghiệp vẫn thông báo thiếu nhân sự, các trang tuyển dụng vẫn liên tục cập nhật tin tức tuyển dụng, nhưng hồ sơ xin việc của tôi nộp thì lại không nhận được sự phản hồi nào cả. Đã có lúc tôi từng muốn trở về quê vì nghĩ rằng, mình sẽ không thể nào tìm được việc làm đúng với chuyên ngành như mong đợi” - Như Ý tâm sự.

Như Ý chia sẻ thêm, đã nhiều lần đăng ký ứng tuyển trên các trang mạng xã hội vì thấy công việc phù hợp, mức lương cao và chế độ tốt. Nhưng khi được hỏi đến công việc cụ thể thì họ lại hướng dẫn những công việc như đa cấp, thậm chí là lừa đảo. Những điều đó càng làm cho sinh viên mới ra trường khó tiếp cận với các nhà tuyển dụng chân chính.

Nhiều sinh viên loay hoay tìm việc sau khi ra trường. Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngành nghề của mình cũng là điều thiệt thòi đối với những sinh viên mới ra trường. Bởi khi nộp hồ sơ xin việc, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu đến kinh nghiệm làm việc của người ứng tuyển.

Lê Thị Yến Nhi (22 tuổi, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học) thất vọng vì đã trượt mất đi cơ hội nghề nghiệp của bản thân do thiếu kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngành học của mình.

“Vừa tốt nghiệp đại học, tôi đã gửi hồ sơ ứng tuyển vào nhiều công ty khác nhau, nhưng do chưa có kinh nghiệm làm việc trước đó nên hồ sơ xin việc của tôi đã nhiều lần không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng” - Yến Nhi chia sẻ.

Cũng giống như Nhi, Trần Lam Linh (22 tuổi, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh) chia sẻ, do bản thân chưa có kinh nghiệm làm việc trước đó nên hồ sơ xin việc của mình cũng không được nhà tuyển dụng đánh giá cao so với những bạn cùng ứng tuyển khác.

“Sau khi ra trường, tôi và bạn tôi cùng nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty, nhưng chỉ có bạn tôi được nhà tuyển dụng chọn chỉ vì tôi chưa có kinh nghiệm làm việc. Tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối cho bản thân khi đã dành nhiều thời gian cho bài học lý thuyết mà quên đi việc cần áp dụng ngành học của mình vào thực tế” - Lam Linh nói.

Cần định hướng nghề nghiệp

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (giảng viên khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là điều quan trọng và nhà trường cần dành sự quan tâm đối với sinh viên trong nhiều giai đoạn bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Trung tâm tư vấn, hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên của trường thường xuyên tổ chức hội chợ việc làm giúp sinh viên tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm; thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng ở các lĩnh vực trên website của Phòng Công tác sinh viên, website của các đơn vị trực thuộc; tăng cường kết nối và cơ hội việc làm cho sinh viên qua hoạt động thực tập, thực tế, một số trường hợp được giảng viên trực tiếp giới thiệu cơ hội nghề nghiệp khi thấy sinh viên có năng lực phù hợp vị trí việc làm” - cô Kiều Oanh chia sẻ.

Cô Kiều Oanh cũng cho biết thêm, việc tìm kiếm cơ hội việc làm từ phía nhà trường cũng chỉ là một kênh thông tin, sinh viên muốn có thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp thì nên chủ động tìm kiếm và nắm bắt, kết nối và mở rộng các mối quan hệ.

Ngoài ra, khả năng thích nghi làm việc trong môi trường thực tế của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn