MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thái Nguyên trên 80% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp nghề. Ảnh: Nguồn Sở LĐTBXH

Hơn 80% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp nghề

Minh Hạnh LDO | 10/11/2023 08:56

Thái Nguyên - Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh, trên 80% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp nghề. Nhiều vị trí việc làm khó trong doanh nghiệp được người học đáp ứng yêu cầu mà không phải đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có ít nhất 30% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia. Trong đó, 50% số chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và 80% tổng số ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia.

Thống kê của Sở LĐTBXH Thái Nguyên, hiện hơn 80% số học sinh, sinh viên (HSSV) được đào tạo tại các trường nghề, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Việt Đức. Ảnh: Minh Hạnh

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cho các cơ sở GDNN tập trung rà soát các tiêu chí; tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học; bồi dưỡng phát triển chương trình đào tạo; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm; bồi dưỡng quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Phạm Thu Thủy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm (Sở LĐTBXH Thái Nguyên) cho biết, việc kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và người lao động là rất quan trọng. Giúp việc đào tạo và học nghề đúng và trúng, ngoài việc giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp mà còn nâng cao năng suất lao động, đời sống và thu nhập ổn định.

Đại diện Sở LĐTBXH Thái Nguyên thông tin thêm, hiện các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng nghề và tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với thời đại số hóa.

Theo ông Hoàng Minh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (TP Sông Công, Thái Nguyên), hiện nhà trường có trên 1.500 sinh viên đang theo học hơn 10 ngành nghề khác nhau như công nghệ ôtô, điện, điện tử…

Ngoài ra, hàng năm trường phối hợp cùng Sở LĐTBXH đã triển khai phổ biến kiến thức về kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Theo đó, các em sẽ được chia sẻ các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng và cơ hội làm việc, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giúp các em định hướng tư duy đưa ra quyết định nghề nghiệp.

“Việc phối hợp với các doanh nghiệp, kết nối trong quá trình đào tạo, khởi nghiệp và hỗ trợ việc làm sau đào tạo giúp sinh viên xác định được nghề nghiệp theo học để định hướng nghề nghiệp cho tương lai chắc chắn hơn” ông Thái cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn