MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập của các tài xế xe công nghệ trên địa bàn TPHCM ngày càng giảm. Ảnh: Như Quỳnh

Không định hướng nghề nghiệp rõ ràng, người trẻ dễ mắc bẫy kỳ vọng thu nhập

Như Quỳnh LDO | 14/09/2023 07:10

Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân, nhiều sinh viên đua nhau chạy xe ôm công nghệ và coi đây là nghề “hái ra tiền”, thế nhưng chưa được bao lâu đã phải tá hỏa vì mức thu nhập thấp, kèm sức khỏe không đảm bảo.

Vỡ mộng vì mức thu nhập ngày càng giảm

Sau khi tốt nghiệp, anh Phạm Đình Tân (TP Thủ Đức, TPHCM), cử nhân ngành kỹ thuật xây dựng bắt đầu với nghề chạy xe ôm công nghệ với mong muốn kiếm được công việc có thu nhập tốt và chủ động thời gian làm việc. Giờ đây, khi công việc này không còn đem lại thu nhập tốt, anh Tân thấy tiếc vì trước đây đã từ chối công việc văn phòng để chạy xe ôm công nghệ.

Thời điểm mới vào nghề, thu nhập bình quân của anh Tân vào khoảng 500.000-600.000 đồng/ngày, nếu chịu khó có thể kiếm 12-15 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, phía sau những điều mà ai cũng thấy, ít ai biết rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng

chìm.

“Ai cũng tưởng nghề này "ngon" và tôi đã phải bỏ những công việc khác để lao vào chạy xe công nghệ. Thực tế, không có thứ gì dễ dàng có được mà lại không phải đánh đổi. Nếu hồi đó tôi nhận việc văn phòng thì bây giờ không đến nỗi.

Hiện tại, những tài xế cũ như tôi không còn được các ứng dụng xe công nghệ ưu ái nên công việc trở nên rất vất vả. Mỗi ngày, tôi phải chạy ngoài đường không dưới 10 tiếng bất kể nắng mưa” - nam tài xế trẻ tuổi nói.

Anh Quách Văn Hoàng (Quận 8) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nam cử nhân ngành công nghệ thông tin cho biết, 2 năm trước khi anh mới vào nghề chạy xe ôm, thu nhập ổn định khoảng 500.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, thu nhập từ nghề chạy xe bắt đầu sụt giảm. Mỗi ngày cùng lắm chỉ kiếm được 200.000 đồng, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng.

Thu nhập giảm, công việc quá lao lực khiến nam tài xế nghỉ ngang, liên tục thay đổi các công việc khác từ phục vụ, bán hàng, tiếp thị… để xoay xở cuộc sống.

Sau gần nửa năm trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập cũng không mấy ổn định, thời gian làm việc gò bó, anh Hoàng quyết định một lần nữa quay lại với nghề chạy xe ôm công nghệ nhưng thực tế không như anh kỳ vọng.

“Hiện tại, thu nhập giảm sâu hơn thời gian trước đây tôi từng làm, từ sáng đến trưa chỉ được một cuốc xe”, nam thanh niên nói và tính đến phương án về quê tìm việc gần nhà, dù thu nhập thấp hơn nhưng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.

Hầu hết các tài xế xe công nghệ trên địa bàn TPHCM vẫn đang chật vật mưu sinh vì thu nhập giảm. Ảnh: Như Quỳnh

Người lao động cần thích ứng với những yêu cầu mới

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống và Xã hội - cho rằng, dù từng là công việc "hái ra tiền" của lao động phổ thông, tuy nhiên đây vốn là công việc không cần tay nghề, ai cũng làm được nên lượng tài xế ngày càng tăng khiến cung vượt cầu.

“Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, khi nghe nói bất kỳ ngành nghề nào đem lại mức thu nhập cao, thời gian làm việc linh hoạt, không yêu cầu tay nghề liền đổ xô vào. Nếu vì bài toán kinh tế trước mắt thì có thể chọn nhưng để trở thành công việc chính, các bạn nên cân nhắc vì đây có thể chỉ là bẫy kỳ vọng thu nhập.

Thực tế, khi bắt đầu công việc, các bạn mới biết để làm được công việc này phải mất nhiều thời gian, sức khỏe và đánh đổi rất nhiều thứ, không có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn. Chính vì thế, các bạn trẻ nên có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng” - ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, hiện nay, hầu hết các ngành nghề sinh viên theo học đều khó tìm được việc làm hoặc có tìm được việc làm nhưng nguồn thu nhập bấp bênh.

Nếu trước đây, phần lớn doanh nghiệp phụ thuộc vào người lao động, thì nay với thời đại công nghệ, máy móc phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp cơ cấu lại theo lao động số hóa và lao động sức người ngày càng bị thu hẹp.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh, thời gian sắp tới chắc chắn thị trường lao động sẽ được điều chỉnh, cung cầu sẽ cân bằng nhau. Tuy nhiên, chính vì thị trường lao động thay đổi, người lao động cần thích ứng với những yêu cầu mới, tích lũy nhiều kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết để có thể chuyển từ nghề này sang nghề khác, không gò bó mình vào chỉ một nghề, hoặc chỉ với nghề được đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn