MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty phải trả lương cho người học nghề theo mức do hai bên thỏa thuận nếu người học nghề trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm hợp quy cách. Ảnh: Bảo Hân

Mức phạt khi không trả lương cho người học nghề trực tiếp làm ra sản phẩm

Bảo Hân (T/H) LDO | 28/03/2023 15:59

Do nhu cầu về lao động lớn nên có trường hợp công ty muốn tuyển dụng thêm lao động, trong đó ưu tiên những người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho công ty lâu dài. Trong trường hợp người học nghề có làm ra sản phẩm thì có được nhận lương không? Nếu công ty không trả lương cho họ thì có sai và bị phạt không?

Khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận. 

Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp người học nghề của công ty nếu trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm hợp quy cách thì công ty sẽ phải trả lương cho người học nghề theo mức do hai bên thỏa thuận.

Khoản 1 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 14. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác cho mình; hợp đồng đào tạo nghề không có các nội dung chủ yếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động; thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình; không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 của Bộ luật Lao động; không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề và đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, theo quy định trên thì khi công ty không trả lương cho người học nghề trực tiếp làm ra sản phẩm, tùy thuộc và số lượng người lao động vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức. 

Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc người sử dụng lao động trả lại học phí đã thu của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình khi có hành vi thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình hoặc buộc người sử dụng lao động trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn