MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức phạt nếu vi phạm về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

Bảo Hân (T/H) LDO | 27/03/2023 17:32
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. 
Người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn 

Cụ thể: 

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác cho mình; hợp đồng đào tạo nghề không có các nội dung chủ yếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động; thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình; không ký hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 của Bộ luật Lao động; không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động; không ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề và đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

- Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;

- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật;

- Tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép;

- Tuyển người vào tập nghề để làm việc cho mình với thời hạn tập nghề quá 3 tháng.

Như vậy, doanh nghiệp thu học phí của người lao động được cử đi học nghề để trục lợi sẽ bị phạt lên đến 75.000.000 đồng.

Tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau:

- Buộc người sử dụng lao động trả lại học phí đã thu của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình khi có hành vi thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình quy định tại Khoản 1 Điều này;

- Buộc người sử dụng lao động trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động quy định tại Khoản 1 Điều này;

- Buộc người sử dụng lao động nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn