MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân lực CNTT còn thiếu nhiều kỹ năng mềm. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm 2020 Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin

HOA MAI LDO | 25/07/2017 11:00
Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT). So với lực lượng đã đào tạo và sẽ cung ứng trong thời gian tới, đến 2020 chúng ta vẫn thiếu hụt 500.000 người.

Hiện nay, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Với gần 80.000 nhân lực CNTT tốt nghiệp trong năm 2017 và 2018 thì đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Về tình trạng “khát” nhân lực ngành CNTT, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), từ khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm được tạo thêm. Trong đó, nhóm ngành CNTT đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới liên quan như Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, Lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D… khiến cho nhu cầu nhân lực tăng mạnh.

Trên thực tế, nhiều sinh viên theo học ngành CNTT, đặc biệt là kỹ thuật phần mềm thường sớm được các DN săn đón. Không chỉ sinh viên đại học, các trường nghề uy tín đào tạo ngành CNTT cũng “hút” DN và tình trạng đào tạo theo “đặt hàng” đã ngày càng phổ biến. “Thậm chí, có sinh viên năm thứ 3 đi thực tập và được DN “dọn chỗ” trước, các em không phải lo lắng việc làm khi ra trường”, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho hay.

Về tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ngành CNTT trong khi thị trường LĐ lại luôn mở rộng đối với ngành này được ông Trần Anh Tuấn lý giải do số lượng sinh viên ngành CNTT ra trường mỗi năm đều khá cao nhưng để có thể làm việc tại các DN, sinh viên cần phải trau dồi nhiều kỹ năng bên cạnh các kiến thức sẵn có. Điểm yếu của sinh viên Việt Nam là còn thụ động, chưa chủ động tìm tòi, đặc biệt là vốn ngoại ngữ còn rất kém, đây chính là nguyên nhân khiến các bạn chưa tìm được việc làm còn bản thân các DN lại không thể tìm được lao động phù hợp. Bên cạnh đó, kỹ năng mềm và khả năng làm việc theo nhóm của sinh viên cũng rất hạn chế, đa số DN phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Để nâng cao cơ hội tìm việc làm và thích ứng với đòi hỏi của nhà tuyển dụng, sinh viên ngành CNTT không chỉ rèn luyện chuyên môn mà cần tập trung trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm) để đáp ứng đòi hỏi của nhà tuyển dụng. “Khi rèn luyện tốt 3 vấn đề trên, không chỉ ngành CNTT mà ở bất cứ ngành nghề nào sinh viên cũng sẽ dễ dàng tìm được việc làm”, ông Tuấn nói.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn