MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tham gia học nghề. Ảnh: Hạnh An

Nghề mới khát lao động có tay nghề

HẠNH AN LDO | 15/03/2024 14:34

Đặt mục tiêu tuyển sinh, dạy nghề cho 2,43 triệu người trong năm 2024, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng phát triển, trang bị kỹ năng nghề cho người lao động trong lĩnh vực mới, nghề mới.

Tăng chỉ tiêu một số ngành nghề

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới, trong đó có chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, logistics…

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề, kỹ năng mới; từ đó đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc (TP Hà Nội) thông tin, nhà trường dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành nghề như: Công nghệ ôtô, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Vẽ và thiết kế trên máy tính, Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính…

Theo đại diện nhà trường, đây là những ngành nghề đang rất phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Ngoài các nghề trước đây nhà trường từng đào tạo, hiện những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hay mới nổi gần đây cũng luôn “khát” lao động có tay nghề. Chính vì thế, nhà trường liên tục cập nhật để có định hướng đào tạo từ sớm.

Chuẩn hóa kỹ năng nghề

Trước đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc, du lịch halal…

Theo ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Vụ kỹ năng nghề không đi sâu vào vấn đề đào tạo mà đi chung vào phát triển và trang bị kỹ năng nghề cho người lao động trong lĩnh vực mới, nghề mới.

Vụ Kỹ năng nghề thực hiện chuẩn hóa nghề theo Luật Việc làm. Cơ quan này cũng phối hợp với bộ chủ trì, lĩnh vực thuộc quản lý bộ, ngành để xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa, đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động tự học, tự trang bị; cơ sở đào tạo căn cứ vào đó xây dựng các chương trình đào tạo.

Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề nhấn mạnh, việc chuẩn hóa các kỹ năng nghề không chỉ giúp các trường học mà chính các doanh nghiệp cũng đào tạo được người lao động.

“Đặt ra tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể tự phát triển cho người lao động, đúng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Nhu cầu đến câu, chuẩn hóa đến đó. Bản thân người lao động muốn tham gia lao động ở ngành nghề đó thì họ đối chiếu vào kỹ năng nghề, năng lực của bản thân để lựa chọn phương pháp học phù hợp” - ông Trường chia sẻ.

Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cơ quan này đã yêu cầu các trường cao đẳng làm rõ cấp độ có thể tham gia đào tạo các ngành, nghề mới. Về mục tiêu tuyển sinh dạy nghề cho 2,43 triệu người trong năm 2024, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên khẳng định con số này hoàn toàn khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn