MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Bộ LĐTBXH

Phấn đấu thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào trường nghề

Hoàng Quang LDO | 19/05/2023 11:28

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4.5.2023, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó phấn đấu thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng, trong đó có 2 nội dung:

Thứ nhất, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn