MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định về hưởng trợ cấp thôi việc thay đổi qua các năm

Quế Chi (T/H) LDO | 15/04/2023 14:59

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền người lao động được nhận từ người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ sau khi nghỉ việc và chờ kiếm công việc mới. Quy định này thay đổi qua các năm ra sao?

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

...

Quy định này cơ bản kế thừa lại quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc được nhận trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên;

- Chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.

- Không thuộc trường hợp: Người lao động nghỉ hưu hoặc người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

Trước đó, Điều 42 Bộ luật Lao động 1994 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 56 Điều 1 Bộ luật Lao động sửa đổi 2002 có quy định như sau:

1- Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.

2- Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 85 của Bộ luật này, người lao động không được trợ cấp thôi việc.

Theo đó, trước ngày 1.5.2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực) thì pháp luật lao động chỉ loại trừ trường hợp được nhận trợ cấp thôi việc với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do bị sa thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn