MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thích ổn định nhưng có tới 57% nguồn nhân lực muốn làm việc tự do

HẠNH AN LDO | 22/04/2024 12:44

"Ổn định" giờ đây không còn chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động của người lao động, theo Anphabe.

Anphabe, đơn vị tư vấn về giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc đã công bố báo cáo “Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại”.

Đơn vị này cho biết, "biến động" là từ thích hợp nhất để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua. Giai đoạn 2013 - 2023 được đánh dấu bởi hàng loạt các sự kiện quan trọng như đại dịch COVID-19, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ChatGPT, xung đột địa chính trị, sự nổi lên của “đồng tiền ảo” và thế hệ Gen Z....

Suốt 10 năm qua, Anphabe đã tiến hành khảo sát chuyên sâu với trung bình 60.000 người lao động mỗi năm.

Anphabe đã chỉ ra 6 vấn đề bất biến trong nhiều sự thay đổi của thị trường nhân lực. Đơn cử như: Vấn đề “thu nhập”, “cân bằng” và “ổn định” vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi làm. Các vấn đề này dù ở trong giai đoạn nào thì luôn có những vị trí quan trọng trong tiêu chí đi làm của người lao động.

Dựa trên khung 6 yếu tố môi trường làm việc lý tưởng bao gồm: Tưởng thưởng, Cơ hội phát triển, Văn hóa môi trường, Lãnh đạo quản lý, Chất lượng công việc – cuộc sống, Danh tiếng công ty cho thấy: mặc dù có sự thay đổi về tỉ lệ ưu tiên giữa các yếu tố.

Song, cả 6 yếu tố này vẫn luôn giữ vững vị thế quan trọng trong suốt thập kỷ qua, phản ánh nhu cầu bất biến của người đi làm ngày nay về một môi trường làm việc toàn diện, nơi làm việc lý tưởng.

Một vấn đề khác cũng tồn tại trong tâm lý người lao động trong thời gian qua đó là tình trạng khủng hoảng niềm tin kéo dài. Với quá nhiều sự thay đổi, không chắc chắn trong cách quản lý và chiến lược, tương lai của doanh nghiệp khiến cho người đi làm cảm thấy hoang mang, mơ hồ.

Báo cáo của Anphabe cũng nêu ra 6 vấn đề người lao động rất quan tâm trong những năm gần đây.

Trong đó, người lao động mong muốn được làm việc trong môi trường linh hoạt. Theo Anphabe, "làm việc linh hoạt" không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới.

30% Gen Z kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt. Ảnh: Anphabe.

"Tuy thích một công việc ổn định nhưng có tới 57% nguồn nhân lực muốn làm việc tự do" - báo cáo của Anphabe nêu rõ.

Khảo sát của Anphabe vào năm 2020 đã ghi nhận một tỉ lệ đáng kể nguồn nhân lực tham gia vào nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do).

Đến năm 2021, mặc dù người đi làm ưu tiên sự ổn định nhưng con số này vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở tỉ lệ lao động tự do bán thời gian đã tăng từ 39% (năm 2020) lên 44% (năm 2021), lao động tự do toàn thời gian có giảm nhưng không đáng kể.

Tổng cộng, đã có khoảng 57% nguồn nhân lực trí thức tại Việt Nam tham gia vào nền kinh tế Gig, cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong quan niệm của người lao động về sự ổn định trong công việc.

"Ổn định" giờ đây không còn chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động. Người lao động thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc, hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn