MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học của cô trò Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Vân Trang

Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh Trung học phổ thông chọn đúng ngành, đúng nghề

Trần Hạnh LDO | 14/05/2024 10:33

Hiện nay, hướng nghiệp là nhiệm vụ được các trường THPT đặc biệt quan tâm với mục đích giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế và đúng với đam mê.

Trống rỗng vì không biết chọn ngành nghề gì

Mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện chọn ngành học, trường học lại trở thành vấn đề nóng đối với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Lo lắng, sợ hãi, trống rỗng là tâm trạng của Phan Thị Hương Thảo - học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng đến gần. “Hiện tại, em cảm thấy rất mông lung vì vẫn chưa xác định được ngành học mà mình muốn theo đuổi. Em đã tham khảo các ngành, cơ sở đào tạo đại học xét tuyển khối D nhưng vẫn chưa chọn được nguyện vọng.

Em chỉ sử dụng duy nhất một phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT trong khi điểm chuẩn phương thức này của các trường trong 2 - 3 năm trở lại đây đều tăng đột biến. Năm nay cũng là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi theo chương trình cũ nên em khá áp lực trong việc chọn ngành, chọn trường” - Hương Thảo cho biết.

Cùng tâm trạng lo lắng, Lê Linh Chi - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) lại mắc kẹt giữa việc chọn ngành "hot", trường "hot" hay theo đuổi đam mê.

“Em không thể xác định được ngành "hot" hiện nay, sau 5 - 10 năm nữa còn "hot" hay không, cơ hội việc làm còn rộng mở không? Nhưng nếu chọn ngành nghề mình yêu thích, em lo lắng mình sẽ xa rời xu hướng phát triển chung của xã hội” - Linh Chi băn khoăn.

Tư vấn hướng nghiệp đóng vai trò then chốt

Đồng hành cùng học sinh qua nhiều mùa thi cử, cô Đặng Thị Minh Nguyệt - giáo viên Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) - đánh giá - tư vấn hướng nghiệp là “chìa khóa” giúp học sinh mở ra nhiều cánh cửa sau tốt nghiệp.

“Hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nhất là học sinh cuối cấp. Công tác hướng nghiệp đúng và kịp thời sẽ giúp học sinh và phụ huynh biết được năng lực học tập, điều kiện phù hợp với thiên hướng ngành nghề nào, từ đó giảm thiểu áp lực thi cử. Các bạn học sinh cũng cần hiểu rõ học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nếu năng lực học tập không thể đáp ứng, các bạn có thể lựa chọn những ngã rẽ khác như học nghề, đi du học, xuất khẩu lao động” - cô Nguyệt chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng cho rằng, tư vấn hướng nghiệp không phải đợi đến cuối cấp học mới thực hiện mà cần triển khai xuyên suốt.

“Để biết được bản thân mình đam mê ngành nghề nào, học sinh cần được tiếp xúc sớm với những ngành nghề đó thông qua các buổi tư vấn, hội thảo, trao đổi kết hợp với các cơ sở đào tạo đại học, dạy nghề. Với Trường THPT Đan Phượng, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo đã chú ý tới công tác hướng nghiệp cho học sinh. Chúng tôi đã tổ chức những buổi gặp mặt, mời các chuyên gia giáo dục làm công tác tham vấn cho học sinh. Các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn rất chú trọng việc định hướng cho học sinh sao cho các em có thể chọn ngành nghề đúng với niềm đam mê và năng lực của bản thân” - cô Nguyệt bày tỏ.

Dành lời khuyên cho thí sinh về việc chọn ngành, chọn trường, TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, học sinh không nên chạy theo xu hướng đám đông, cần chọn ngành nghề dựa trên nhiều yếu tố.

“Hiện nhiều em có xu hướng chọn ngành "hot, trường "hot" với suy nghĩ có cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chạy theo xu hướng đám đông trong khi bản thân không đáp ứng được yêu cầu ngành học sẽ khiến học sinh loay hoay trong chính lựa chọn của mình.

Để chọn đúng ngành nghề, sĩ tử cần hiểu rõ năng lực, thế mạnh của bản thân, từ đó có động lực theo đuổi, không bị đuối sức khi học vào chuyên ngành. Tiếp theo cần xét tới điều kiện của gia đình, cuối cùng là xét tới xu hướng phát triển của xã hội, đánh giá tiềm năng của ngành nghề mà mình đang hướng tới rồi đưa ra quyết định cuối cùng” - TS Nguyễn Tất Thắng đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn