MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc làm bền vững cho lao động nữ khu vực nông thôn đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Trần Lưu

Việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn: Nhiều thách thức

Quỳnh Chi LDO | 13/05/2018 18:03
Theo Tổng cục Thống kê, tại vùng nông thôn, tỉ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp là 63,4%. Dù đang đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nhưng lao động nữ vùng nông thôn vẫn đối diện nhiều thách thức trước mục tiêu tìm việc làm bền vững.

Trên thực tế, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức hiện nay khá cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn; chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, không bền vững.

Theo Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH), tỷ lệ lao động nữ khu vực phi chính thức khá cao, 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; hơn 43% lao động nữ làm công việc nông nghiệp,...

Ngoài ra, dù cùng làm công hưởng lương nhưng thu nhập trung bình của phụ nữ là 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với 5,19 triệu đồng của lao động nam.

Để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận được các quyền cơ bản, mới đây,  Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu đưa 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngoài tăng cường năng lực về phát triển kinh tế, vốn vay,... cơ quan quản lý còn hỗ trợ giúp phụ nữ nông thôn tăng cường tiếp cận đất đai.

Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và thách thức: Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và tập trung ở khu vực nông thôn; chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn; chưa kể đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), để giải quyết việc làm bền vững cho lao động nữ khu vực nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành phối hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng, linh hoạt các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn