MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng TP.HCM có xu hướng chuộng lao động tay nghề hơn là căn cứ bằng cấp. Ảnh: LD

Việc làm tại TP.HCM: 150.000 chỗ làm mới/năm, trọng tay nghề hơn bằng cấp

Quỳnh Chi LDO | 25/02/2018 16:44
Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM (FALMI), xu hướng tuyển dụng nhân lực của TP.HCM trong thời gian tới sẽ gắn với chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam. 

Theo đó, mỗi năm thành phố có 150.000 chỗ làm mới, chủ yếu trong 3 nhóm ngành công nghiệp: chế biến chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo. 

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ quy hoạch phân bố không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó: Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim.

Đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ôtô, xe máy, linh kiện điện tử.

Duyên hải miền Trung phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển.

Tây Nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

Đông Nam Bộ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ.

Vùng ĐBSCL tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy - hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ.

Tại TP.HCM, theo định hướng đến năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỉ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển.

Đến năm 2018, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế TP HCM lần lượt là: Dịch vụ (65,19% - 65,68% - 67,84%), công nghiệp, xây dựng (32,70% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,11% - 1,92% - 1,43%).

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính chiếm tỉ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 7%, các nhóm ngành khác chiếm 3%-5%. Đặc biệt, giai đoạn 2018-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc, trong đó 150.000 chỗ làm việc mới.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất là 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, CĐ chiếm 16%, ĐH chiếm 17%, trên ĐH chiếm 2%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn