MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Việt Nam cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực cho đầu tư nước ngoài

Hoàng Quang LDO | 27/04/2023 10:51
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã khẳng định như vậy tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham dự của 180 đại biểu các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị còn được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…

Thông báo với các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Riêng về nhân lực, đến nay, quy mô dân số của Việt Nam hiện là 100 triệu dân, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đến nay là 51,7 triệu người. Trong đó, lực lượng tham gia trực tiếp đạt tỉ lệ 68,5,%, tỉ lệ thiếu việc làm thông thường ở trong độ tuổi đến cuối năm 2022 là 2,21%, tỉ lệ thất nghiệp trung bình là khoảng 2,2%; lực lượng thanh niên thất nghiệp khoảng 7,72%. Nhìn tổng quan, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhưng với tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên 7,72% thì phải nhìn ở góc độ đây là lực lượng dự trữ lao động tốt. Như vậy có thể thấy, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiềm năng.

Theo Bộ LĐTBXH, Việt Nam đang điều chỉnh theo hướng giữ được quy mô dân số trẻ, dân số vàng như hiện nay. Mặc dù Việt Nam không còn ở đỉnh cao dân số vàng, nhưng đang ở giai đoạn dân số vàng và để chủ động khắc phục sớm tình trạng già hóa dân số. Việt Nam đã và đang đi 4 bước rất cơ bản, để khắc phục tình trạng dân số già như một số quốc gia đang gặp phải.

Thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về nhân lực. Đặc biệt, về đào tạo nguồn nhân lực và đối với chính sách xã hội trong giai đoạn tới, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Việt Nam sẽ hoạch định 3 vấn đề có tính chất đột phá trong phát triển chính sách xã hội:

Thứ nhất, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và đổi mới, trong đó xác định việc làm bền vững và sinh kế cho người dân, phát triển nguồn nhân lực là một trọng tâm.

Thứ hai, tập trung xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, dột nát cho người dân, đến năm 2030 phấn đấu đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp,

Thứ ba, xây dựng mạng lưới an sinh, trong đó tập trung cho những vấn đề tối thiểu như giáo dục, y tế...

Việt Nam sẽ đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực khi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh; có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến lao động có kỹ năng, tay nghề chất lượng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn