MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động sau học nghề có được việc làm ổn định, có thêm thu nhập phát triển kinh tế. Ảnh: Hoàng Lộc

Vĩnh Long tạo cơ hội học nghề miễn phí cho hơn 1.550 người

HOÀNG LỘC LDO | 19/09/2023 10:21

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Đông - Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) tỉnh Vĩnh Long thông tin, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có trên 10.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong số những người thất nghiệp, có hơn 1.550 người được hỗ trợ tham gia học nghề, để có thể tham gia lao động ở công ty mới hoặc tự mở tiệm làm tóc, quán nước do mình làm chủ.

Anh Lê Bình Dương (sinh năm 1986, tạm trú ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) từng làm việc ở nhiều nơi nhưng do mức lương thấp nên đến cuối năm 2022 nghỉ việc.

“Thất nghiệp, tôi mang hồ sơ đi xin việc làm ở nhiều nơi, chỉ nhận lại cái lắc đầu vì lý do chưa có tay nghề. Gia đình có 3 con nhỏ, vợ bệnh ung thư giai đoạn cuối, tôi gần như bế tắc” - anh Dương nói.

Theo anh Dương, sau khi nhận BHTN, anh được giới thiệu học nghề miễn phí tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) Nguyễn Phong ở TP Vĩnh Long, nghề lái xe nâng, xe cuốc.

“Sau khi hoàn tất chương trình học tôi được trung tâm giới thiệu nơi làm việc ổn định, đúng với nghề đã học, hiện có thu nhập gần 300.000 đồng/ngày” - anh Dương vui mừng cho biết.

Cũng từng mang hồ sơ đến gần 10 công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xin việc nhưng không được nhận do lớn tuổi, chị Phạm Hồng Hạnh (SN năm 1980, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) từng suy nghĩ sẽ quay lại công ty ở TP Hồ Chí Minh - nơi chị có hơn 10 năm làm việc.

“Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, có con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, cha mẹ lớn tuổi cần người chăm sóc hằng ngày, nên tôi đã chọn đăng ký học nghề và làm việc tại Vĩnh Long” - chị Hạnh cho biết thêm.

Theo chị Hạnh, ngoài nhận số tiền trợ cấp BHTN hơn 40 triệu đồng, chị còn được hỗ trợ học phí học nghề mộc và được nhận vào làm tại trại mộc ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tiền công hơn 200.000 đồng/ngày

Chị Hạnh tâm sự: “Trước đây khi làm việc cho công ty ở TP Hồ Chí Minh tôi không tham gia các loại BHXH, BHYT, BHTN, nay phải chi hơn 10 triệu đồng học nghề và phải tự đi xin việc”.

Chung hoàn cảnh với nhiều người từng làm việc cho Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh phải nghỉ việc do công ty gặp khó khăn, anh Lê Minh Hùng (SN 1990, ở huyện Trà Ôn) đã có một tiệm cắt tóc nam sau gần 9 tháng học nghề.

“Nghỉ việc do công ty khó khăn, được cán bộ ở phòng trợ cấp BHTN Vĩnh Long tư vấn học nghề, tôi đã chọn theo học nghề tóc và mở tiệm gần nhà” - anh Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Trung tâm GDNN Nguyễn Phong - đơn vị liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long trong dạy nghề - thông tin, đơn vị đào tạo 12 nghề đang được thị trường lao động tuyển dụng nhiều như vận hành xe hàng, xe cuốc, điện - điện dân dụng và thiết kế đồ họa… Sau khi hoàn thành khoá học, 100% học viên được trung tâm giới thiệu việc làm.

Theo ông Nguyễn Thanh Đông - Trưởng phòng BHTN tỉnh Vĩnh Long - người lao động thất nghiệp chủ yếu là công nhân lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp chiếm trên 80%, nghề nghiệp trước khi nghỉ việc thuộc các lĩnh vực thợ may, thêu chiếm trên 50%, còn lại ở một số lĩnh vực khác như kế toán, nhân viên bán hàng rất khó xin việc làm mới trong giai đoạn hiện nay.

“Ngoài được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được học nghề miễn phí, giúp học viên dễ xin việc làm mới, có đủ các chính sách, bảo hiểm đảm bảo cuộc sống cho người lao động về sau” - ông Đông cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn