MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai đặc vụ ATF đang kiểm tra một khẩu súng AK-47 bị tịch thu tại trụ sở của cơ quan này ở Phoenix. Ảnh: AFP

Cách những khẩu súng Mỹ rơi vào tay tội phạm Mexico

Thảo Phương LDO | 27/05/2024 07:35

Dữ liệu bị rò rỉ cho thấy hàng chục nghìn khẩu súng bị thu giữ tại hiện trường phạm tội ở Mexico được mua từ các cửa hàng và người bán ở Mỹ.

Tờ USA Today đưa tin, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, một vụ rò rỉ thông tin khổng lồ từ cơ quan tình báo quân đội Mexico đã hé lộ danh tính các cửa hàng bán súng và những kẻ buôn lậu tại Mỹ. Đây cũng là những đối tượng trực tiếp liên quan đến 78.000 khẩu súng bị thu giữ ở phía nam biên giới.

Thông tin này được tiết lộ từ một lượng dữ liệu khổng lồ khi 10 triệu bản ghi bị tấn công bởi nhóm ẩn danh “Guacamaya”. Nhóm này đã chia sẻ thông tin với tổ chức minh bạch Distributed Denial of Secrets (DDoSecrets), và từ đó thông tin được truyền thông tiếp cận.

Trước đó, vụ rò rỉ thông tin từ Bộ Quốc phòng Mexico đã gây xôn xao dư luận khi hé lộ nạn tham nhũng và lạm dụng giám sát trong quân đội. Tuy nhiên, lần này, thông tin rò rỉ tập trung vào dấu vết của những khẩu súng được bán tại Mỹ và bị thu giữ ở Mexico từ năm 2018.

Hiện trường vụ tấn công nhà tù Ciudad Juarez hồi tháng 1.2023, khiến 14 người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Dù đã có những nỗ lực ngăn chặn, nhưng đường dây chuyển súng từ Mỹ sang Mexico vẫn tiếp diễn. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm vòng xoay ma túy từ Mỹ Latinh về phía bắc và bạo lực ở Trung Mỹ, dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Mỹ.

Báo cáo bị rò rỉ cũng bao gồm email trao đổi thông tin giữa các lãnh đạo quân sự Mexico và các bài thuyết trình PowerPoint của Viện trưởng Viện kiểm sát Mexico, hé lộ danh tính những người mua "ma" ở Mỹ có liên quan đến nhiều vũ khí nhất tính đến năm 2022.

Theo USA Today, phần lớn những người buôn lậu súng đều liên quan đến vụ bê bối “Fast and Furious” của Cục Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Chất nổ (ATF).

Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2011, các đặc vụ của ATF ở Arizona đã cố tình “làm ngơ” khi những người mua hàng “ma” bất hợp pháp mua 2.000 khẩu súng tại các cửa hàng. Mục tiêu của ATF là thu thập thông tin để theo dõi đường dây buôn lậu và bắt giữ những kẻ cầm đầu. Tuy nhiên, họ không thực hiện được và làm mất dấu hàng trăm khẩu súng.

Một trong số những khẩu súng bị mất dấu đã được tìm thấy tại hiện trường vụ án ở Nogales, Arizona, nơi đặc vụ Biên phòng Mỹ Brian Terry bị sát hại vào năm 2010, khi đơn vị của ông cố gắng bắt giữ một nhóm nghi phạm cướp bóc.

“Thật đáng hổ thẹn. Đây là vết nhơ mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Chúng ta có nhiệm vụ ngăn chặn đường dây chuyển súng trái phép nhưng đang thất bại”, Peter Forcelli, cựu Phó Giám đốc ATF và là tác giả của một cuốn sách phê phán chiến dịch Fast and Furious, nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn