MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh quả bom hạt nhân do Mỹ thả phát nổ tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ảnh: Wiki

Khi bom hạt nhân phát nổ: Sức phá hoại khủng khiếp

Anh Vũ LDO | 13/03/2022 17:52

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Nga Putin cũng đã ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng cảnh giác cao độ. Theo giới chuyên gia, một vụ nổ bom hạt nhân sẽ gây tàn phá như nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Tất nhiên, câu trả lời phụ thuộc vào số lượng bom hạt nhân được thả. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga và Mỹ sở hữu 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nga có 1.588 vũ khí được triển khai trên các tên lửa xuyên lục địa, có tầm bắn ít nhất là 5.500km và các căn cứ máy bay ném bom hạng nặng, nơi sở hữu các máy bay có khả năng mang và thả bom hạt nhân. Mỹ hiện có 1.644 vũ khí được trang bị theo cách tương tự, theo Live Science.

Khi một quả bom hạt nhân phát nổ

Vũ khí hạt nhân có nhiều loại với các kích cỡ khác nhau, nhưng bom hạt nhân hiện đại sẽ phát nổ bằng cách kích hoạt các phản ứng phân hạch. Sự phân hạch là phản ứng tách hạt nhân của các nguyên tử nặng thành các nguyên tử nhẹ hơn và giải phóng neutron. Sau đó, những neutron này có thể xâm nhập vào hạt nhân của các nguyên tử gần đó, tách chúng ra và gây phản ứng dây chuyền ngoài tầm kiểm soát.

Vụ nổ phân hạch có sức tàn phá khủng khiếp. Loại bom phân hạch, đôi khi được gọi là bom nguyên tử hoặc bom chữ A, đã phá hủy hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản với sức công phá từ 15 kiloton đến 20 kiloton TNT. Tuy nhiên, nhiều vũ khí hạt nhân hiện đại có khả năng gây sát thương thậm chí còn kinh khủng hơn.

Mạnh hơn bom phân hạch là bom nhiệt hạch, hay bom hydro. Loại bom này sử dụng sức mạnh của phản ứng phân hạch ban đầu để hợp nhất các nguyên tử hydro trong vũ khí. Phản ứng nhiệt hạch này tạo ra nhiều neutron hơn, dẫn tới sự phân hạch diễn ra nhiều hơn và tạo ra nhiều nhiệt hạch hơn. Kết quả là một quả cầu lửa có nhiệt độ tương đương với sức nóng của tâm mặt trời được sinh ra ở khu vực bom nổ. Bom nhiệt hạch đã được thử nghiệm, nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong chiến tranh.

Khi một vũ khí hạt nhân với sức công phá 10 kiloton, tương đương với kích cỡ của các quả bom ở Hiroshima và Nagasaki, được kích nổ sẽ giết chết ngay lập tức khoảng 50% số người trong bán kính 3,2km, theo một báo cáo năm 2007 từ một hội thảo về Dự án Phòng thủ. Theo tổ chức không phổ biến vũ khí hạt nhân ICAN, một vụ nổ khi bom đang rơi tự do trong không khí sẽ có bán kính nổ rộng hơn.

Bên cạnh áp lực nổ, nguyên nhân của những cái chết do bom hạt nhân thường bao gồm bỏng, phơi nhiễm phóng xạ cường độ cao và các thương tích gây tử vong khác. Cùng với đó, hầu hết tòa nhà trong bán kính 0,8km của vụ nổ sẽ bị đánh sập hoặc hư hỏng nặng.

Little Boy - quả bom hạt nhân của Mỹ thả xuống Nhật Bản. Ảnh: Wiki

Trang web Ready.gov của chính phủ Mỹ khuyên rằng, bất kỳ ai được cảnh báo trước từ thông tin liên lạc chính thức hoặc nhìn thấy ánh sáng từ một vụ nổ gần đó, hãy di chuyển đến tầng hầm hoặc trung tâm của một tòa nhà lớn và ở đó ít nhất 24 giờ để tránh ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), sẽ có rất ít hy vọng cho những người sống sót gần khu vực phát nổ. Với những con đường và đường ray xe lửa bị phá hủy, các bệnh viện bị san lấp và các bác sĩ, y tá và những người ứng cứu đầu tiên trong khu vực vụ nổ đã chết hoặc bị thương, sẽ có rất ít lựa chọn để đưa vật tư hoặc người đến trợ giúp, đặc biệt là với mức độ phóng xạ cao sau khi vụ nổ.

Những người sống sót sẽ dính bụi phóng xạ và cần phải được khử nhiễm. Theo cuốn sách "Những lựa chọn hạt nhân cho thế kỷ XXI: Hướng dẫn của một công dân", hầu hết nạn nhân có khả năng bị bỏng nặng do nhiệt lượng tỏa ra từ vụ nổ ban đầu. Tùy thuộc vào địa hình của khu vực nổ, các đám cháy do vụ nổ ban đầu có thể kết hợp và tạo ra bão lửa trong khu vực nổ. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, một trận bão lửa như vậy đã xảy ra ở Hiroshima và nhấn chìm 11,4km vuông trong biển lửa.

Mời quý vị độc giả đón đọc phần hai của loạt bài về bom hạt nhân mang tên "Khi bom hạt nhân phát nổ: Bụi phóng xạ và thảm họa môi trường".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn