MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệ phóng tên lửa đa năng BM-21 Grad của Ukraina. Ảnh: AFP

Mỹ cân nhắc hỗ trợ Ukraina hệ thống vũ khí tầm xa mới

Anh Vũ LDO | 28/11/2022 16:50
Lầu Năm Góc đang xem xét đề xuất hỗ trợ Ukraina hệ thống vũ khí tấn công tầm xa mới.

Reuters đưa tin, Lầu Năm Góc đang xem xét đề xuất của Boeing về việc cung cấp cho Ukraina những loại vũ khí tầm xa mới, tăng khả năng tấn công vào phía sau các phòng tuyến của Nga.

Thông tin này được đưa ra khi phương Tây đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu mua thêm vũ khí từ các nước Đông Âu.

Kho vũ khí quân sự của Mỹ và đồng minh đang bị thu hẹp, và Ukraina phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí tinh vi hơn khi cuộc xung đột kéo dài.

Hệ thống được đề xuất bởi Boeing, được gọi là Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), là một trong những kế hoạch sản xuất vũ khí mới cho Ukraina và các đồng minh Đông Âu của Mỹ.

Hệ thống GLSDB có thể được chuyển giao sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, theo một tài liệu được Reuters ghi nhận.

Được biết, hệ thống này kết hợp Bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) với động cơ tên lửa M26, cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ hiện tại.

Doug Bush, người phụ trách chính việc mua vũ khí của Quân đội Mỹ nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc vào tuần trước rằng, quân đội nước này cũng đang xem xét đẩy nhanh việc sản xuất đạn pháo 155 mm, loại đạn hiện chỉ được sản xuất tại các cơ sở của chính phủ, bằng cách cho phép các nhà thầu quốc phòng chế tạo chúng.

 Hệ thống tên lửa đa năng tối tân Himars do Mỹ gửi tới Ukraina. Ảnh: AFP

Ông cũng nói thêm rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu về vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất, trong khi các đồng minh của Mỹ ở Đông Âu đang "đặt hàng rất nhiều”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Tim Gorman từ chối bình luận về việc cung cấp bất kỳ "khả năng cụ thể" nào cho Ukraina, nhưng cho biết Mỹ và các đồng minh "xác định và xem xét các hệ thống phù hợp nhất có thể” để giúp đỡ Kiev.

Mặc dù Mỹ đã từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn 297 km, nhưng tầm bắn 150 km của GLSDB sẽ cho phép Ukraina tấn công các mục tiêu quân sự ở xa hơn và giúp nước này tiếp tục đẩy mạnh các cuộc phản công bằng cách phá vỡ các khu vực hậu phương của Nga.

Hệ thống GLSDB do SAAB và Boeing cùng thực hiện và đã được phát triển từ năm 2019, trước khi “chiến dịch đặc biệt" của Nga được tiến hành. Theo một đề xuất của Boeing cho Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM), các thành phần chính của hệ thống GLSDB sẽ do Mỹ hỗ trợ.

Động cơ tên lửa M26 tương đối phong phú và bom GBU-39 có giá khoảng 40.000 USD mỗi đơn vị, khiến một hệ thống GLSDB hoàn chỉnh không đắt và các thành phần chính của nó luôn sẵn có để thay thế.

Theo trang web của SAAB, GLSDB được định hướng bằng GPS, có thể đánh bại một số thiết bị gây nhiễu điện tử, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và có thể được sử dụng để chống lại các phương tiện bọc thép. GBU-39 có các cánh nhỏ, gấp lại cho phép nó lướt đi hơn 100 km nếu được thả từ máy bay và nhắm mục tiêu có đường kính nhỏ hơn 1 m.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn