MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ Orion của NASA. Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ của NASA sẽ tới quỹ đạo Mặt trăng vào ngày mai

Anh Vũ LDO | 20/11/2022 14:07
Tàu vũ trụ của NASA cho đến nay đã "vượt quá mong đợi" nếu tính về hiệu suất hoạt động.

Tàu vũ trụ Orion đang vượt quá mong đợi của NASA trong nhiệm vụ bay thử tới Mặt trăng lần này.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cung cấp thông tin cập nhật về dự án Artemis 1 sau khi sứ mệnh được phóng thành công vào ngày 17.11. 

"Cho đến nay, Orion đã hoạt động rất tốt. Tất cả các hệ thống đều vượt quá mong đợi từ quan điểm hiệu suất" - Engadget dẫn lời Giám đốc tích hợp phương tiện Jim Geffre trong cuộc họp báo do NASA tổ chức ngày 18.11.

Dự án Artemis 1 nhằm tìm cách xác nhận khả năng chở các phi hành gia đến vệ tinh tự nhiên của Trái đất một cách an toàn.

Hành trình đánh dấu chuyến đi đầu tiên của tàu vũ trụ Orion ngoài quỹ đạo của hành tinh chúng ta.

Tàu vũ trụ Orion đang tiến về phía Mặt trăng. Ảnh: NASA

Chuyến bay thành công của Orion sẽ mở đường cho một sứ mệnh có người lái lên Mặt trăng và cuối cùng là sứ mệnh đưa con người hạ cánh xuống Mặt trăng đầu tiên của NASA kể từ nhiệm vụ Apollo 17 năm 1972.

Cơ quan này hy vọng Artemis 1 sẽ đến Mặt trăng vào ngày 21.11. Vào thời điểm đó, tàu vũ trụ sẽ thực hiện lần đốt động cơ chính đầu tiên. Đây là một trong bốn lần đốt động cơ mà NASA đã lên kế hoạch.

Giám đốc chuyến bay của Atermis 1, Jeff Radigan, cho biết: “Chúng tôi sẽ bay qua một số địa điểm hạ cánh của tàu Apollo”. 

4 ngày sau lần đốt đầu tiên, lần đốt động cơ thứ hai sẽ được thực hiện để đưa Orion vào một quỹ đạo xa quanh Mặt trăng trước khi đi vào quỹ đạo quay trở lại Trái đất.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Orion sẽ hạ cánh xuống Thái Bình Dương vào ngày 11.12.

Những thành công ban đầu của tàu vũ trụ Orion là một diễn biến đáng hoan nghênh sau những rắc rối mà NASA gặp phải với tên lửa đẩy hạng nặng Hệ thống Phóng Không gian SLS.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã buộc phải hoãn phóng Artemis 1 nhiều lần do sự cố động cơ, rò rỉ nhiên liệu hydro và gió bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn