MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phong trào và mô hình hiệu quả tạo nên đột phá của huyện biên giới nghèo. Ảnh: Văn Thành Chương

10 năm đổi thay ở huyện nghèo vùng biên trẻ nhất nước

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 22/06/2023 20:09

Nậm Pồ là huyện biên giới trẻ nhất và nghèo nhất của tỉnh nghèo Điện Biên. Trên bình diện cả nước, Nậm Pồ cũng là huyện trẻ nhất khi vừa thành lập 10 năm.

Những mô hình và phong trào tạo nên đột phá

Được thành lập từ ngày 23.6.2013, Nậm Pồ là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Điện Biên và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có 8 dân tộc, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 70%.

Bên cạnh đó, Nậm Pồ còn có đường biên giới quốc gia dài 127,483km, tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Đứng trước thực tế đó, vấn đề đặt ra không chỉ là vấn đề giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn phải đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tháng 6.2013 huyện Nậm Pồ chính thức được thành lập và đi vào hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: Thanh Hải

Trước bộn bề khó khăn, huyện Nậm Pồ đã áp dụng nhiều giải pháp, với những “phong trào” và “mô hình” được đánh giá là hiệu quả góp phần giúp huyện nghèo tạo nên những bước phát triển mang tính đột phá.

Trong đó, trước hết phải kể đến mô hình “121 Tổ dân vận cơ sở”.

Đây là mô hình huy động tất cả các thành phần trong hệ thống chính trị tham gia, từ Bí thư Huyện ủy đến các trưởng, phó các phòng ban, mỗi người đều được giao phụ trách 1 tổ tại thôn, bản. Ngoài ra còn có sự tham gia của lực lượng công an, các lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục…

121 Tổ dân vận cơ sở được thành lập đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ảnh: Văn Thành Chương

Các tổ dân vận với nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin cơ bản như: biến động dân cư, số hộ nghèo, hộ gặp khó khăn… để xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời.

Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, 121 tổ dân vận cơ sở với gần 900 cán bộ, đảng viên tham gia đã ra những bước đột phá ở vùng đồng bào dân tộc... 121 tổ dân dân vận cơ sở đã trở thành 121 chiếc cầu nối trực tiếp giữa nhân dân với các lãnh đạo cao nhất của huyện Nậm Pồ.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, phong trào mang ý nghĩa nhân văn cũng đã được triển khai và được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhiệt tình tham gia, như: Chương trình "Làm nhà vệ sinh" trong các trường học, chương trình "Nước cho em" hay phong trào "Tiết kiệm 2.000 đồng mỗi ngày cho giáo dục"…

Các phong trào và mô hình mới mẻ được thành lập với mục đích hướng đến người dân để phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Điểm sáng trong các phong trào thi đua

Trong những năm gần đây, Nậm Pồ trở thành một "điểm sáng" về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với nhiều phong trào, mô hình, cách làm mới, như: Phong trào "Thêm việc tốt mỗi ngày", "Ngày cuối tuần tình nguyện"… đã lan toả đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đông đảo Nhân dân.

Hay trong giai đoạn khó khăn nhất, khi dịch COVID-19 xuất hiện, để hỗ trợ cho các tổ COVID-19 cộng đồng, huyện Nậm Pồ đã thành lập ngay 121 “Tổ thanh niên xung kích” dựa trên tinh thần tự nguyện của đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập 121 Câu lạc bộ phụ nữ với công tác phòng chống dịch. Cả 2 mô hình này đều hoạt động rất hiệu quả trong việc phòng chống dịch và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Hay mô hình cách ly tại thôn bản cũng đã được triển khai đúng lúc, đúng thời điểm và phù hợp với thực tiễn.

Một góc xã nông thôn mới Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Văn Thành Chương

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã triển khai hàng loạt “dự án 0 đồng” để về đích nông thôn mới sớm 2 năm so với mục tiêu. Phát huy những thành quả đó, gần đây xã Chà Nưa lại tiếp tục triển khai thành công mô hình trồng bí xanh và mô hình “Du lịch cộng đồng” trở thành điểm sáng trong toàn huyện...

Trao đổi với PV Lao Động, theo ông Lê Khánh Hòa - Bí thư huyện ủy Nậm Pồ, để đạt được những kết quả mang tính đột phá sau 10 năm thành lập trước hết phải nói đến tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của Nhân dân các dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo và đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.

Sau 10 năm làm việc tại trụ sở tạm, đến nay huyện Nậm Pồ đã có trụ sở mới khang trang, hiện đại. Ảnh: Thanh Hải

Có thể thấy, sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, từ một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, đời sống người dân vô cùng khó khăn, đến nay, Nậm Pồ đã trở thành địa bàn ổn định, người dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Ghi nhận những thành tích trong 10 năm qua, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương. Với những kết quả đó, huyện Nậm Pồ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn