MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhiều khu vực nông thôn trở thành khu công nghiệp. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Bộ mặt nông thôn “thay da, đổi thịt”

V.TRẦN - C.NGUYÊN LDO | 26/07/2018 17:43

Cách đây 10 năm, Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. 

Một thập kỷ trôi qua, trên khắp các vùng quê của ngoại thành Hà Nội đã “thay da, đổi thịt”, nhiều người lao động đã được đào tạo nghề, được tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhờ những mô hình sản xuất, kinh doanh hay để làm giàu ngay trên đất quê hương.

Người lao động có việc làm, thoát nghèo nhờ những mô hình hay

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, những vùng quê, vùng đất sau khi sáp nhập về Hà Nội đã và đang “chuyển mình” phát triển, người lao động có việc làm, thu nhập người dân vùng ngoại thành tăng. Có thể kể tới mô hình sản xuất hoa hồng thế được huyện Mê Linh triển khai tại xã Mê Linh năm 2016.

Từ mô hình điểm tại đây đến nay đã có 60 hộ sản xuất hoa hồng thế với quy mô trên 12ha và nhân rộng tại các xã Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong. Còn tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp tập trung và trồng bưởi, phật thủ, đào, quất… Hay tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), mô hình trang trại trồng rau hữu cơ, nuôi lợn rừng… không những giúp người nông dân làm giàu mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho chính những lao động địa phương.

Tự hào với mô hình trồng hoa hồng thế, anh Tạ Đức Tài (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cho biết, từ hộ dân trồng hoa cắt cành với diện tích nhỏ, được định hướng, hỗ trợ về giống và vốn, gia đình ông đã đổi ruộng, mở rộng diện tích canh tác thành hơn 6.000 mét vuông để trồng hồng ngoại.

“Cứ 5 tháng thu hoạch một lứa cây, mỗi năm, vườn hồng đem lại cho gia đình thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, so với lợi nhuận hoa cắt cành tăng 50-60%. Ngoài ra, mô hình này cũng tạo công ăn, việc làm cho hàng chục địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng” - anh Tạ Đức Tài cho biết.

Theo ông Trịnh Thế Khiết - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội - sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, cuộc sống của người nông dân được cải thiện đáng kể. Có nơi, mức thu nhập của người dân tăng lên gấp 3 lần trước khi chưa sáp nhập.

“Điều đáng mừng nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư, tăng cường. Số lượng hộ nghèo giảm, khi chưa sáp nhập là 7,8%, thời điểm hiện nay còn dưới 3%. Sau khi sáp nhập, nhiều vùng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy cày, cấy… Từ chăn nuôi, làng nghề cũng phát triển tốt, nhiều làng nghề phát huy tác dụng cao” - ông Khiết nói.

Cũng theo ông Khiết, mặc dù có những tích cực đáng kể, nhưng bên cạnh đó còn có những hạn chế riêng. Hạn chế lớn nhất là điều kiện ở nông thôn còn nhỏ, nên việc chuyển đổi mạnh, bứt phá chưa được đạt yêu cầu. Thứ hai, nguồn vốn đầu tư, nhất là vay vốn theo chương trình ưu đãi ngân hàng thì còn hạn chế. Dù có chủ trương nhưng khi người dân đi vay vốn vẫn còn gặp khó khăn.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường cũng là khó khăn, cản trở cho sự phát triển của người dân. Chất thải từ nhà máy, đô thị nhưng xử lý chưa được. Một khó khăn khác đó là chính sách hỗ trợ khi mà thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất đô thị của các huyện ven đô. Tiền đền bù một sào đất nông nghiệp thì không đáng so với đất làm xây dựng nhà ở, đô thị. Giá trị rất thấp.

Thị trường lao động năng động

Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội - cho biết, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô, không gian sản xuất kinh doanh của Hà Nội được mở rộng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm. Không gian phát triển công nghiệp được mở rộng.

Trên địa bàn hiện có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỉ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008; Hiện nay đã có 43 cụm công nghiệp được lấp đầy, hoạt động ổn định. Đến hết năm 2017, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tăng 70 làng so với năm 2010.

Trong đó, đáng chú ý tỉ lệ lao động có việc làm qua đào tạo được tăng lên một cách rõ nét. Năm 2008, chỉ 27,5% tỉ lệ lao động việc làm đã qua đào tạo thì đến năm 2017 tỉ lệ này là 60,66% (tăng 33,16%).

Theo UBND thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có điều kiện tốt hơn để bố trí lại các khu công nghiệp, các khu chức năng khác của thủ đô cho phù hợp với yêu cầu thị trường, môi trường và cảnh quan. Thủ đô trở nên hấp dẫn, có sức hút hơn thêm các nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có của địa phương và các thị trường liên quan.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Vũ Thanh Liễu - PGĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, cách đây 10 năm, sau khi sáp nhập không gian về diện tích của thủ đô tăng gấp 3,6 lần, dân số lao động tăng 1,87 lần so với trước đây. Thị trường lao động trở nên vô cùng sôi động, tạo nên nguồn lực để phát triển.

Cũng từ việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư đặt tại các khu vực ngoại thành. Do đó, việc kết nối việc làm giữa các lao động địa phương và người lao động được nhiều hơn. Qua đó giải quyết được tình trạng lao động thất nghiệp trên địa bàn.

Việc mở rộng địa giới hành chính giúp người lao động trong khu vực tìm kiếm được việc làm tốt hơn. Không chỉ người lao động địa phương, mà người lao động ở những vùng lân cận cũng dễ dàng tiếp cận hơn với một thị trường năng động như thủ đô.

Nói về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, ông Nguyễn Doãn Hoàn - Bí thư Huyện ủy Thạch Thất - cho hay, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, công tác an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, 10 năm qua, huyện đã quan tâm đào tạo nghề cho 44.827 lao động, nâng tỉ lệ lao động được qua đào tạo từ 31,3% năm 2007 lên 59,7% năm 2017; giải quyết việc làm ổn định cho 51.002 lao động, nâng tỉ lệ lao động có việc làm đạt 98% năm 2017.

Trong giai đoạn 2007-2017, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, từ 9,71% năm 2007 xuống còn 1,18% cuối năm 2017. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của địa phương cũng được đầu tư, từ đó có bước tiến về việc phát triển kinh tế xã hội.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Cần có quy hoạch tổng thể việc sử dụng nguồn lao động

10 năm qua khi mở rộng địa giới hành chính thủ đô, thị trường lao động được mở rộng và linh hoạt hơn nhưng cũng là thách thức tỉ lệ lao động qua đào tạo. Trong những năm qua về mặt lao động cũng là giai đoạn ổn định. Tuy nhiên so với tiềm năng thì Hà Nội đang phải phát triển mạnh, phát triển tốt hơn nữa. Trong đó thị trường lao động, đặc biệt là đào tạo tay nghề cao cần phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Hiện tại, trong thời buổi khoa học công nghệ, thời đại 4.0, Hà Nội phải là đầu tàu, thu hút nguồn lực chất lượng cao. Về vấn đề này, ông Huân chỉ ra rằng Hà Nội cần phải đào tạo quyết liệt hơn, cần phải có quy hoạch tổng thể sử dụng nguồn lao động. Sau đó, mới có kế hoạch đào tạo cụ thể để tránh không bị thừa nguồn lực. V.TRẦN - C.NGUYÊN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn