MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hà Ngọc Trường - Viện Phó Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cho biết tổng vốn đầu tư đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ đã được tính toán kỹ. Ảnh: Minh Quân

10 tỉ USD cho tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ liệu có đội giá thêm?

MINH QUÂN LDO | 06/04/2021 08:16

Đơn vị nghiên cứu dự án tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ khẳng định mức tổng đầu tư 10 tỉ USD cho tuyến đường sắt này đã được tính toán kỹ để sau này không đội giá.

Theo đề xuất của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam (đơn vị nghiên cứu), tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ rơi vào khoảng 10 tỉ USD.

Trong đó, tuyến chính TPHCM - Cần Thơ có mức đầu tư hơn 3,4 tỉ USD với khổ đường đôi 1.435mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ tối đa của tàu khách là 200km/h và tàu hàng là 150km/h.

Ngoài ra, còn có tuyến nhánh từ ga Thanh Phú (Long An) đi cảng Hiệp Phước (TPHCM) dài 44km với mức đầu tư 791,35 triệu USD.

Hơn 5,7 tỉ USD còn lại sẽ đầu tư xây dựng 9 ga đường sắt thành các ga đô thị theo hướng TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) và các hạng mục khác.

Hướng tuyến theo đề xuất của đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Đồ họa: Phương Anh

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Hà Ngọc Trường - Viện phó Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cho biết, tổng mức đầu tư của cho tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ được tính bằng tiền đôla Mỹ (USD) nên không thể đội giá.

Tuy vậy, ông Trường cũng nhìn nhận, nếu dự án này tính bằng tiền đồng Việt Nam thì có thể tổng mức đầu tư sau này sẽ thay đổi.

Ông dẫn chứng 2 tuyến metro của TPHCM là tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) lúc đầu lập dự án, tổng mức đầu tư được tính bằng tiền đồng Việt Nam; tuy nhiên, sau khi tư vấn nước ngoài vào tính toán lại, tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều.

“Nếu tính không đủ đến khi thực tế nước ngoài vào đầu tư tính toán lại nâng giá lên thì lúc đó chính mình chịu chứ không ai khác” – ông Trường nói.

Về phương án huy động vốn, ông Hà Ngọc Trường cho biết nhà nước đã nói rõ dự án với mức đầu tư 10 tỉ USD thì ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, dự án này những năm qua thu hút hơn 20 nguồn vốn ở nhiều nước và các quỹ tài chính quốc tế muốn hợp tác đầu tư. Hiện có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm dự án này và họ đánh giá hiệu quả của tuyến đường khi hướng tuyến được điều chỉnh.

“Dự án sẽ sử dụng hoàn toàn vào vốn của tư nhân. Nhà nước không phải chi bất kỳ đồng nào từ khâu nghiên cứu cho đến giải phóng mặt bằng. Nhà nước chỉ cần đứng ra thành lập Ban giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công” – ông Trường nói.

Dù nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn 100% làm dự án, nhưng ông Trường cho biết khó khăn lớn nhất là cơ chế hoàn vốn lại cho nhà đầu tư. "Đầu tư vào hạ tầng có rất nhiều rủi ro vì tốn rất nhiều tiền. Mỗi km đường sắt cao tốc đi ở trên cầu là 40 triệu USD, nếu đi ngầm thì hơn 100 triệu USD một km” – ông Trường nói.

Dẫn chứng các đường Vành đai ở TPHCM cả chục năm nay không khép kín được vì thiếu vốn, ông Trường cho rằng mọi chuyện sẽ khác nếu có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào.

"Cơ chế, chính sách về vấn đề đầu tư tư nhân hiện nay chưa rõ ràng. Do đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ và Quốc hội cần có cơ chế mới động viên các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt” – ông Trường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn