MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay khá lạc hậu, cần đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: Hải Nguyễn

10 tỉ USD xây dựng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ: Cần tính toán thời điểm, tránh dàn trải

Đặng Tiến LDO | 19/01/2021 09:30

Với mục tiêu tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt kết nối giữa TPHCM với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT vừa giao Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Trước đó tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT (ngày 27.8.2013), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Theo đó, đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ có tổng chiều dài là 173,677km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu TP.Hồ Chí Minh và 4 tỉnh miền Tây.

Quy hoạch này nhằm mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phục vụ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt giai đoạn đến năm 2020.

Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD, được thiết kế đường sắt đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200km/h cho tàu hàng và trên 200km/h cho tàu khách. Dự án sau khi được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút.

Tuy nhiên, sau nhiều tính toán, đề xuất này đã rút ngắn xuống còn 139,7km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.

Theo đại diện Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam, việc điều chỉnh sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời giúp chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo cũng giảm được khoảng 17.000 tỉ đồng.

Được biết, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án này. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, nhu cầu đi lại và nhu cầu vận tải của tuyến đường sắt này rất cao, sau khi có tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ sẽ là động lực để phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) - ông Vũ Hồng Phương cho biết, hiện ban được Bộ GTVT giao phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt này. Sau khi được giao, ban sẽ thuê tư vấn, thiết kế xây dựng phương án tiền khả thi trình Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Trong khi đó theo đánh giá của TS Nguyễn Hồng Thái - Trường Đại học GTVT, các phương thức vận tải đều có thể chia sẻ cùng nhau, do đó việc quy hoạch tuyến đường sắt này là hợp lý. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay khi tuyến đường sắt Bắc - Nam chưa phát triển (đây là trục vận tải xương sống) nên cần phải ưu tiên.

Lợi thế của ngành đường sắt là vận chuyển được khối lượng lớn và ổn định, một đoàn tàu có thể thay thế vài chục chiếc ôtô, do đó đến một thời điểm nào đó lưu lượng vận tải bằng ôtô không thể mở rộng được thì đường sắt sẽ phải gánh.

Cùng với đó, Cần Thơ là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là trung tâm thương mại lớn của cả nước. Do đó, khi trục chính chưa đáp ứng được thì cần tập trung đầu tư, không nên dàn trải sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn