MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khử khuẩn lớp học trước khi đón học sinh trở lại trường (ảnh chụp chiều 3.5). Ảnh: Hải Nguyễn

100% trường lớp đảm bảo điều kiện an toàn

Đặng Chung - Anh Nhàn LDO | 04/05/2020 06:54

Hơn 10 triệu học sinh THPT, THCS trên cả nước trở lại trường từ hôm nay (4.5) sau 3 tháng nghỉ học để phòng dịch COVID-19. Không chỉ học sinh, giáo viên, mà phụ huynh cũng hào hứng và tất bật chuẩn bị mọi điều kiện, để con em mình được đến trường an toàn. 

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động tại các địa phương, 100% các trường học đều khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo an toàn để đón học sinh đi học trở lại. Các trường cũng có nhiều sáng tạo thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, trong bối cảnh vừa phải dạy học tốt, vừa quyết tâm chống dịch thành công. 

Sáng tạo thực hiện giãn cách học sinh

Tính đến ngày 4.5, 63 tỉnh thành trên cả nước đều cho học sinh đi học trở lại, trong đó Hà Nội và TPHCM ưu tiên học sinh THCS và THPT đi học trước. Một số địa phương như: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Nam Định, Hậu Giang... toàn bộ học sinh các cấp sẽ được trở lại trường từ hôm nay. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt thực hiện các quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế và 15 tiêu chí đánh giá “trường học an toàn” của Bộ GDĐT, các trường học đã gấp rút chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng đón học sinh.

Theo ghi nhận của Lao Động tại Hà Nội, tranh thủ đợt nghỉ lễ, nhiều trường học trên địa bàn đã tiến hành khử khuẩn, vệ sinh lớp học. Không chỉ giáo viên, mà phụ huynh cũng đến trường để cùng thầy cô dọn dẹp phòng học cho ngày trở lại trường của con em mình. Đối với các trường ở thủ đô, việc thực hiện quy định về giãn cách, học sinh ngồi học cách nhau 1,5m, mỗi phòng học không quá 20 em thực sự là bài toán khó. Trong 2 ngày cuối tuần (2-3.5), nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để cùng bàn bạc, tham khảo ý kiến của phụ huynh. Và rất nhiều sáng tạo đã được đưa ra trong việc sắp xếp lớp học, giờ học, vì một mục tiêu chung là sức khỏe của học sinh.

Tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) vào ngày 3.5, trong khi nhân viên vệ sinh tất bật lau dọn lại toàn bộ các phòng học, thì lãnh đạo nhà trường cũng hối hả kiểm tra lại lần cuối tất cả các khâu, từ việc chia sơ đồ phòng học, kê bàn ghế, đến việc đánh dấu vị trí học sinh đứng khi các em học thể dục tại sân trường. Cảnh quan, vườn hoa cũng được chỉnh trang, trong đó nhà trường bổ sung thêm nhiều chậu hoa tươi để chào đón học sinh trở lại.

Kết hợp giữa dạy online và dạy trực tiếp, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại thực hiện bằng cách cho học sinh học luân phiên theo hướng bố trí 20 học sinh đầu tiên theo thứ tự trong sổ điểm đi học 3 ngày đầu của tuần (thứ 2, 3, 4), những em còn lại sẽ học qua online. Các thứ 4, 5, 6 sẽ đổi ngược lại. Còn giáo viên sẽ vừa dạy trên lớp, vừa quay, ghi hình trực tiếp tiết dạy đó để phát cho học sinh đang học ở nhà.

Các Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), Phổ thông liên cấp Olympia (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì huy động giáo viên toàn trường thực hiện diễn tập kịch bản đón học sinh trở lại trường vào ngày 3.5. Giáo viên được thực hành trước việc kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe học sinh...

Trong ngày 3.5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của các quận, huyện ở Hà Nội cũng đã đi kiểm tra ở tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - ngày 3.5, các đoàn của quận đã đến kiểm tra ở tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn, kết quả 100% số trường đạt điều kiện để đón học sinh vào ngày 4.5. Tương tự, tại các quận Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy... cũng đều đảm bảo các tiêu chí về an toàn trường học mà cơ quan chức năng khuyến cáo.

Ngày đầu tiên đến trường sẽ học về phòng dịch

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - vào sáng 4.5, tất cả học sinh của trường sẽ nhận được món quà đặc biệt từ các thầy cô trước khi vào lớp học. 

“Ngày 4.5 này rất đặc biệt, ngày mà học sinh và giáo viên đều mong đợi vì được trở lại trường. Một ngày đặc biệt, trong một năm học rất đặc biệt như vậy, chúng tôi muốn dành những tiết học đầu tiên để giáo dục, tuyên truyền cho học sinh về việc ghi nhớ và tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch, đã hy sinh hạnh phúc riêng để chúng ta có được ngày hôm nay, được đến trường gặp lại bạn bè như thế này. Tôi muốn học sinh trân trọng những khoảnh khắc chúng ta được ở bên nhau và thể hiện sự tri ân bằng cách mỗi người hãy thực hiện tốt các quy định về phòng dịch, có trách nhiệm với mỗi hành động của mình, vì sức khỏe của các em và của cộng đồng” - thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết.

Nhiều trường học tại TPHCM cũng lên kịch bản để dành ngày 4.5 thực hiện việc tuyên truyền cho học sinh về việc phòng dịch. Việc học tập sẽ thực hiện ở những ngày tiếp theo. 

Là trường học có gần 500 học sinh khối 12 đi học trở lại, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - cho biết, nhà trường đã hoàn tất các khâu để đón học sinh đi học lại.  “Đến chiều 2.5, chúng tôi đã hoàn thành vệ sinh, phun khử khuẩn các lớp học, đóng các cầu dao máy lạnh, kiểm tra các bồn rửa tay. Nhà trường cũng phân chia khu vực cổng vào học và ra về theo từng khối lớp để giãn cách mật độ học sinh. Trong mỗi lớp học, giáo viên sẽ dán những băng dính nhiều màu sắc trên ghế ngồi giúp học sinh xác định đúng vị trí của mình, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa 2 học sinh.

Phụ huynh cũng đồng hành chống dịch cùng trường, được trang bị khẩu trang, khăn giấy ướt, nón ngăn giọt bắn, bình nước cho học sinh và đồ ăn sáng cho học sinh vì căn-tin tạm thời vẫn chưa hoạt động. Thêm vào đó, nhà trường còn thông báo cho phụ huynh về việc trang bị điện thoại thông minh cho học sinh, để các em tiện lợi cho việc học và có thể thư giãn, giải trí trong giờ ra chơi thay vì “”túm 5 tụm 3” với nhau” - ông Huỳnh Thanh Phú nói.

Để đảm bảo an toàn và tiến độ năm học khi học sinh trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã yêu cầu, các trường tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua Internet, trên truyền hình các môn học đã thực hiện từ ngày 6.4 đến ngày đi học trở lại và quy đổi kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh thành kết quả kiểm tra đánh giá thường xuyên cho học sinh, đảm bảo công bằng, khách quan.

Ngoài ra, các trường đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức vấn đáp, phỏng vấn; kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả, sản phẩm học tập… và hoàn thành kiểm tra, đánh giá học kỳ 2 vào ngày 30.6.

Bộ GDĐT: Ưu tiên 1-2 tuần đầu để dạy bù kiến thức cho học sinh

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDÐT), ngày 4.5, học sinh trên cả nước trở lại trường, mục tiêu được ngành giáo dục đặt lên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe của học sinh. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, các trường cũng cần lên kế hoạch dạy học phù hợp với gián đoạn chúng ta vừa phải dạy học vừa phải chống dịch. 

Theo đó, các trường linh hoạt kết hợp giữa dạy online và dạy học trực tiếp; lên kế hoạch giảng dạy phù hợp với điều kiện của nhà trường. Trong đó cần ưu tiên dành 1-2 tuần khi học sinh trở lại trường để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh trong giai đoạn các em học qua online, học trên truyền hình. Thời gian đầu này, các trường cũng rà soát, những học sinh nào vì điều kiện không thể tham gia các lớp học online thì cần tổ chức dạy bù cho các em. Đặng Chung

Phụ huynh Quảng Ninh tất bật tìm mua nhiệt kế

Sáng 4.5, toàn bộ học sinh Quảng Ninh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19. Theo yêu cầu của ngành Giáo dục, mỗi ngày học sinh sẽ phải kiểm tra thân nhiệt 4 lần, trong đó trước khi đến lớp, các bậc phụ huynh phải đo thân nhiệt cho học sinh và ghi vào cuốn sổ nhỏ để chuyển cho thầy, cô. Với quy định này, mấy ngày nay, các bậc phụ huynh ở Quảng Ninh đã phải chạy khắp nơi để tìm mua máy đo thân nhiệt hoặc nhiệt kế. Với hàng vạn học sinh cùng đi học trở lại và phải đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến lớp, nhu cầu về số lượng máy đo thân nhiệt, nhiệt kế vào dịp này là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh - cho biết, nhiều lớp sẽ phải tách làm đôi để đảm bảo cự ly ít nhất 1m. Sau mỗi buổi học, các thầy cô phải ở lại làm vệ sinh, khử khuẩn lớp học để chuẩn bị cho lớp hôm sau. Để đảm bảo chương trình học cũng như sức khỏe của các thầy cô, học sinh sẽ có 3 buổi học trên lớp và 2 buổi học online.  Nguyễn Hùng

Khánh Hòa: 100% cán bộ, giáo viên phải thực hiện khai báo y tế điện tử

Ông Lê Đình Thuần - Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hòa - cho biết đã yêu cầu tất cả học sinh, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường; thường xuyên rửa tay, giữ vệ sinh cơ thể; vận động phụ huynh không cho con em đến trường khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở. “Chúng tôi yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn” - ông Thuần cho hay.  Phước Tín

Trường học Đà Nẵng trang bị máy nhắc nhở đeo khẩu trang

Để học sinh quay trở lại trường học được đảm bảo an toàn, ngoài việc dọn vệ sinh, khử trùng… Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) còn trang bị “Máy nhắc đeo khẩu trang” tại cổng. Chia sẻ về điều này, cô Nguyễn Thị Thảo Sương - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, đây là loại máy được một doanh nghiệp tặng cho nhà trường nhằm nhắc nhở tất cả các em học sinh phải đeo khẩu trang. Máy sẽ theo dõi và gọi tên các trường hợp không tuân thủ các quy định phòng dịch trong nhà trường. Em nào bị máy ghi hình lại nhiều lần thì nhà trường sẽ làm việc trực tiếp để có biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc hơn. Thùy Trang

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn