MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những căn nhà có điện, nước đầy đủ và nhất là những đứa trẻ được ở gần trường học có thể đến lớp. Ảnh: Đình Trọng

119 hộ dân “du mục” tìm được cuộc sống mới

Đình Trọng LDO | 12/09/2020 08:33
Tiểu khu 119 là nơi dừng chân, kết thúc cuộc sống lênh đênh trên rừng dưới hồ của 119 hộ dân ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, những hộ dân này có mái nhà che mưa, che nắng kiên cố, con cái được đến trường, được ước mơ về tương lai tươi sáng hơn.

Những người “du mục” có cuộc sống mới

Trong căn nhà kiên cố trên nền đất gần 400m2, vợ chồng anh Võ Ngọc Lâm (46 tuổi) - chị Phương Thị Lực (41 tuổi) đang nhặt hạt điều. Anh Lâm cho biết, những ngày gần đây, mưa không đi làm rẫy được, ở nhà làm việc này để có thêm thu nhập chi tiêu.

Nhớ về những ngày sống như người “du mục” trong rừng, anh Lâm kể: “Trước đây, gia đình tôi chỉ mượn đất để sinh sống trong rừng. Ai thuê gì làm đó để kiếm ăn. Cả gia đình sinh sống trong căn nhà dựng tạm bằng cây rừng, che mái tôn. Vất vả nhất là những hôm trời mưa, nhà dột ướt hết trong đêm tối. Giờ chúng tôi được chính quyền địa phương cấp nhà kiên cố, che mưa che nắng. Chính quyền địa phương còn cho vay tiền mua xe vào rừng tỉa củi điều bán lấy tiền sinh sống, nuôi con đi học đầy đủ, cháu lớn vào được đại học sắp tốt nghiệp”.

Tiếp lời chồng, chị Lực cho hay: “Trước kia ở trong rừng núi, chúng tôi chỉ thắp sáng bằng nến và đèn pin. Ở đây, có nhà kiên cố sạch sẽ, có điện cho con cái học hành. Hy vọng nhất là con cái được học tập để tìm công việc mới, không phải sống tạm bợ như cha mẹ”.

Ở tiểu khu 119, có cuộc sống khấm khá hơn cả là gia đình chị Nguyễn Thị Thi (33 tuổi). Vợ chồng chị Thi có xe máy, cửa hàng tạp hóa và thu nhập ổn định. Chị Thi kể, năm 2003, chị cùng bố mẹ từ Campuchia về Bình Phước tìm kế sinh nhai.

“Cả nhà tôi lênh đênh trên mặt hồ thủy điện Cần Đơn thuộc xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Sau này, lập gia đình, vợ chồng vẫn mưu sinh bằng nghề thả lưới bắt cá, thu nhập bấp bênh, chuyện học hành và tương lai của con cái rất xa vời. Năm 2016, được nhà nước cấp đất xây nhà, khi “lên bờ”, tôi mừng rơi nước mắt. Đến nay thì khác rồi, con cái được đi học, vợ chồng có việc làm, có thu nhập ổn định” - chị Thi vui mừng nói.

Tương tự, gia đình chị Thị Óc (41 tuổi, người đồng bào dân tộc S’Tiêng) cũng từng ở rừng hàng chục năm. Từ chỗ đất đai không có, sinh sống bấp bênh, đến nay, gia đình chị có nhà, có đất, có việc làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học. “Cảm ơn Nhà nước đã cho chúng tôi tìm được cuộc sống mới tốt hơn” - chị Thị Óc vui mừng bày tỏ.

Tính kế lâu dài cho người dân

Theo Ủy ban Nhân dân xã Phú Nghĩa, năm 2015, tiểu khu 119 (36ha) được thành lập. Mỗi một hộ dân được một thửa 300-400m2 đất, xây sẵn một căn nhà trị giá 50-70 triệu đồng. Khu này có đường bêtông, đấu nối đường điện nước, có trạm y tế và gần trường học... Tạo nên khu định cư này là sự nỗ lực của chính quyền các cấp và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778.

Từ khi thành lập tiểu khu 119, chính quyền xã đã sàng lọc để hỗ trợ công việc của người dân ở đây, chủ yếu làm công nhân cạo mủ caosu, chăn nuôi và làm thuê. Người dân đang cố gắng để thoát nghèo, tuy nhiên, công việc chưa nhiều nên thu nhập chưa ổn định.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập - trước đây, người dân sống trong lõi của rừng và lênh đênh dưới lòng hồ nên đời sống bấp bênh, không được chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Vì vậy, mục tiêu xây dựng khu dân cư 119 là để tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Nay người dân đã có chỗ để định cư song về lâu dài, tỉnh Bình Phước và huyện Bù Gia Mập đang thu hút các doanh nghiệp về đây phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân. Có việc làm thường xuyên, với thu nhập đều thì về lâu dài, đời sống người dân sẽ ổn định.

Mong sớm có giấy tờ tùy thân

Dẫn chúng tôi đi thăm khu dân cư 119, ông Điểu Đé - Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa - cho biết, sau một thời gian sống trong khu tái định cư, giờ không ai muốn quay về cảnh sống chông chênh như trước. Mọi người tự ý thức làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo.

Mặc dù đã được cấp đất, nhà ở nhưng nhiều người từ Campuchia về sống tại khu tái định cư 119 vẫn chưa có hộ khẩu, CMND. Vì vậy, nhiều giao dịch, hoạt động vẫn còn hạn chế. Điều người dân mong muốn là địa phương sớm tháo gỡ những khó khăn về hành chính, tạo điều kiện để họ làm được giấy tờ tùy thân, hộ khẩu trên quê hương của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn