MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1,3 triệu lao động rời thành phố: Làm thế nào để giữ chân họ?

Minh Hương LDO | 19/11/2021 09:44

Trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, đã có khoảng 1,3 triệu người lao động từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương. Do vậy, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ thiếu hụt lao động, theo các chuyên gia, cần có những chính sách giữ chân và thu hút người lao động trở lại sau dịch.

Các biện pháp giữ người lao động ở lại

Tại tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết  - qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm thì thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường.

Mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân, giữ mối liên hệ với người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Hiện có khoảng 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường. Ảnh: LDO

Ông Thanh đưa ra các đề xuất ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt lao động: Nỗ lực phòng chống, dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách “3 tại chỗ” và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm.

Thực hiện các chế độ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người lao động để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm giữ chân lao động như: 

Chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, Internet với người lao động.

Thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động (trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương), áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn, nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để giữ chân lao động…

Người lao động là tài sản giúp doanh nghiệp phát triển

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, một trong những cách giữ chân NLĐ là phải gìn giữ lao động ngay khi dịch bệnh diễn ra.

 Người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Theo đó, từ tháng 3.2020 khi bắt đầu có dịch bệnh ở Việt Nam, doanh nghiệp đã xác định, chỉ có 2 tài sản quan trọng cho phát triển bền vững: nguồn lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Mất 2 tài sản này sẽ rất khó phục hồi và phát triển trở lại khi dịch bệnh qua đi" - ông Trường nhận định. Cho nên, ngay từ đầu chính sách chỉ đạo xuyên suốt của Tập đoàn và các đơn vị là chăm lo và giữ gìn lực lượng lao động, nhất là người lao động tay nghề cao.

Theo ông Trường, từ năm 2020, doanh nghiệp đã triển khai cơ chế để giữ mối liên hệ giữa người quản lý lao động và lực lượng lao động, đồng thời xây dựng các tổ nhóm COVID-19 trước đợt dịch lần thứ tư.

Mỗi tổ nhóm được phân công theo địa bàn khu vực ở trọ của NLĐ, tổ chức cho họ ở trọ cùng một chỗ thì làm cùng một tổ, một dây chuyền nhằm hạn chế số lượng người tiếp xúc. Việc này giúp bảo đảm nếu 1 người là F0 thì chỉ có 20 người là F1 chứ không phải là 300 hay 400 người...

Hỗ trợ đón lao động quay trở lại làm việc

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 38.000 doanh nghiệp. Trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua đã diễn ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay.

Đồng Nai đón người dân từ TPHCM trở về tỉnh sau thời gian mắc kẹt do dịch bệnh COVID-19, trong đó có nhiều người lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến

Trước tình hình trên, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13415/KH-UBND của UBND tỉnh về việc phối hợp hỗ trợ đón NLĐ từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc được hưởng ưu đãi các chính sách.

Chẳng hạn, được ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng chưa tiêm mũi 1, được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn, bảo đảm điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc.

Trường hợp người lao động phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ theo Quyết định số 4346/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai trước khi về quê thì sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/lần (chưa bao gồm vợ, chồng, con nếu ở cùng phòng trọ)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn