MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
15 năm người dân xã nghèo ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình mòn mỏi chờ được trả sổ đỏ. Ảnh: Khánh Linh

15 năm chờ sổ đỏ, người dân phải vay nóng tiền chữa bệnh

Khánh Linh LDO | 27/06/2023 07:37

Hòa Bình - Sổ đỏ đất rừng hơn chục năm bị thu chưa được trả lại, mỗi khi ốm đau, không còn tài sản cầm cố, người dân tại xã Nuông Dăm - xã đặc biệt khó khăn ở huyện Kim Bôi không còn cách nào khác đành đi vay nóng với lãi suất "cắt cổ".

Vay nóng tiền chữa bệnh với lãi suất "cắt cổ"

Đã 3 tháng nay, kể từ khi vợ mắc bệnh giảm tiểu cầu, anh Bùi Văn Tuấn (xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi) phải chạy vạy ngược xuôi lo tiền đưa vợ đi khắp các viện lớn nhỏ để chữa bệnh.

Anh Tuấn cho biết: "Tháng 3 năm nay, vợ tôi đi khám phát hiện bị giảm tiểu cầu, Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi giới thiệu lên bệnh viện tỉnh rồi họ lại giới thiệu xuống khám và chữa bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Do tình trạng bệnh nghiêm trọng nên chi phí chữa trị cũng lớn, hết khoảng 200 triệu đồng. Bảo hiểm y tế chi trả một nửa, số còn lại gia đình phải tự lo".

Với gia đình anh Tuấn cũng như nhiều gia đình ở xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu sống bằng nghề nông này, 100 triệu đồng là số tiền quá lớn.

Chi phí điều trị lớn, không có sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng, người dân phải vay nóng lãi ngày đi chữa bệnh. Ảnh: NVCC

"Đi vay ngân hàng thì họ yêu cầu có tài sản thế chấp, nhưng sổ đỏ nhà thì không dám mang đi thế chấp, sổ đỏ đất rừng thì chính quyền thu cả chục năm nay chưa thấy trả. Bí bách quá nên đành phải vay nóng bên ngoài, lãi 2.000 đồng/triệu/ngày. Rồi vay tín chấp trả góp của FE Credit, mỗi tháng trả 1.750.000 đồng, trả trong vòng 18 tháng. Mấy tháng nay ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, chỉ chắt chiu để cố gắng trả bớt nợ thôi" - anh Tuấn cho hay.

Cùng cảnh ngộ, mấy năm nay, gia đình anh Bùi Văn Thành (xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi) cũng sống trong cảnh chật vật, chắt chiu từng đồng để trả lãi khoản vay từ năm 2018 con gái anh bị tai nạn giao thông, bị dập lá lách, phải phẫu thuật với số tiền lớn.

Anh Thành buồn rầu: "Lúc đó họ hàng cũng không ai có tiền, nên không vay được ai, đành nhờ người vay hộ ngoài thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) 20 triệu đồng, tiền lãi 5.000 đồng/triệu/ngày. 4 năm nay đi làm gom góp mới trả được hết nợ. Giá mà cuốn sổ đỏ chưa bị thu thì cũng cầm cố ngân hàng vay được ít, đỡ phải vay lãi ngày, cuộc sống cũng bớt khổ" - anh Thành nói.

Với những người dân ở nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này, đất đai khô cằn, đường xá đi lại khó khăn, kinh tế chỉ trông chờ chủ yếu vào vài sào lúa và diện tích đồi trồng keo cùng chiếc sổ đỏ để có thể thế chấp ngân hàng vay những lúc cấp bách. Thế nhưng, hơn chục năm nay, họ mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng, bởi sổ đỏ đất rừng vẫn chưa hẹn ngày trả về.

Trước đó, phản ánh tới Báo Lao Động, hàng trăm hộ dân tại xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã 15 năm nay, kể từ khi được thông báo thu Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để cấp đổi sổ mới cho người dân.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều lần kiến nghị, câu trả lời người dân nhận lại vẫn là những cái lắc đầu của cơ quan chức năng.

Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Nuông Dăm cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2007, trên địa bàn xã có hơn 200 hộ dân nộp lại sổ đỏ. Tính đến nay, đã có khoảng 100 hộ được cấp mới, số còn lại vẫn chưa có thông tin.

Được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở xã Nuông Dăm mà còn ở rất nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kim Bôi.

Còn hơn 1.500 sổ đỏ chưa giao cho người dân

Theo tìm hiểu của PV, Dự án thành lập bản đồ địa chính tỉ lệ 1:10.000 và hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (Dự án 672) có 18.468 GCN in đã kí.

Người dân xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi bức xúc phản ánh tới Báo Lao Động. Ảnh: Khánh Linh

Trong đó, 16.874 GCN đã bàn giao cho người sử dụng, còn lại 1.594 GCN vẫn chưa được bàn giao.

Đại diện huyện Kim Bôi, Hòa Bình cho hay, để dẫn đến sự việc này có rất nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, đối với Dự án 672, việc cấp GCN còn có rất nhiều sai sót về họ tên người sử dụng đất, thông tin người sử dụng đất, sai địa chỉ thửa đất, sai diện tích, hình thể thửa đất... gây khó khăn cho người sử dụng và cơ quan quản lý.

Dự án 672 sử dụng tài liệu bản đồ bay chụp hàng không, kết hợp điều tra khoanh vẽ đo đạc bổ sung thực địa để thành lập bản đồ địa chính nên độ chính xác không cao, dẫn đến việc lấn các thửa đất. Do vậy, GCN quyền sử dụng đất không đúng với thực tế đang sử dụng.

"Chúng tôi đề nghị, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ kê khai, lập hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất dự án đo đạc tổng thể huyện Kim Bôi.

Ngoài ra, kịp thời chỉnh lý các sai sót và có giải pháp cụ thể để sớm cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân" - đại diện huyện Kim Bôi chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn