MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: ANH THƯ

15,8 triệu người bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được hỗ trợ

L.HOA LDO | 23/05/2020 09:08
Người nhà của lãnh đạo xã bỗng nhiên vào danh sách hộ nghèo, có địa phương vận động người dân kí vào đơn không nhận hỗ trợ, nơi thì chi thiếu đối tượng… là những vi phạm không đáng có trong quá trình chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

15,8 triệu người được hỗ trợ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, đến ngày 20.5, các địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng là 17,5 nghìn tỉ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỉ đồng.

Các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người được hỗ trợ. Cụ thể, số người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo trên 11,8 triệu với kinh phí gần 11.400 tỉ đồng. Về nhóm đối tượng là người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN), NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể thì TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt và chi trả được cho 1.202 người.

Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ LĐTBXH đã xử lý một số vụ việc xuất hiện tại các huyện như Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương (Thanh Hoá) có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Bên cạnh đó, xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.

Theo đó, Bộ LĐTBXH đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan. Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng nêu rõ, tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ cũng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.

Không được phép sai khi chi trả cho người nghèo

Đường dây nóng qua Tổng đài 111 đã đảm đương nhiệm vụ tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngày 1.5. Ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Bộ LĐTBXH), đơn vị quản lý Tổng đài 111 - cho biết, ước tính hơn 100.000 cuộc gọi đến bao gồm hỏi về chế độ, chính sách, phản ánh những vấn đề tồn tại ở địa phương trong việc lập danh sách, cách thức chi trả.

Bên cạnh đó, những địa phương có đủ nguồn vốn và đang thực hiện chi trả thì người dân gọi đến nêu những vấn đề họ cho rằng tiêu cực. Vấn đề này, tổng đài thực hiện chức năng phân loại và chuyển đến Thanh tra Bộ LĐTBXH giải quyết.

Theo ông Hiệu, thời gian qua, người dân ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) phản ánh qua tổng đài về việc nhận được tờ đơn xin không nhận hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19. “Sau đó, chúng tôi đã báo cáo bộ và bộ trao đổi trực tiếp với Sở LĐTBXH Thanh Hoá về việc trên. Đã có các đoàn kiểm tra từ cấp lãnh đạo, Thanh tra bộ về Thanh Hoá làm việc trước phản ánh trên” - ông Hiệu nói.

Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, tại các địa phương đã phát hiện những sai phạm, trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐTBXH - cho rằng: “Từ trước đến nay, hộ nghèo và cận nghèo luôn được kiểm soát và có danh sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn phát hiện những vi phạm ở địa phương này, địa phương kia như khuyến khích người dân ký vào đơn xin không nhận hỗ trợ hay người nhà lãnh đạo xã vào danh sách hộ nghèo. Cái sai này rất đáng trách và lẽ ra không được phép sai”.

Bà Hương cho rằng, trong lần thực hiện hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã bộc lộ rõ vấn đề đang tồn tại ở các địa phương. Bản thân những đối tượng này đã và đang được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Việc để lọt, bỏ sót hoặc chi sai đối tượng phải xử lý nghiêm minh. Thực hiện chính sách an sinh, xã hội phải đảm bảo tính thực tiễn, minh bạch và có khả năng kiểm soát. 3 yếu tố này không thực hiện được thì lòng tốt không đến tay người cần” - bà Hương nhấn mạnh.

Mới đây, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, đã có nhiều người dân thuộc một số xã ở huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) bức xúc, phản đối việc hỗ trợ này do một số gia đình được thụ hưởng chưa đúng với quy định. Thêm nữa, nhiều người bất ngờ vì không được thụ hưởng chính sách bởi không biết đã “thoát nghèo” khi nào. Bộ LĐTBXH vừa đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Sở LĐTBXH Hoà Bình xác minh vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn