MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

2 cơ sở Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức - 10 năm dang dở

Lệ Hà LDO | 05/03/2024 10:01

Tại Chỉ thị 06/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thành việc xử lý 2 bệnh viện cơ sở 2 Bạch Mai, Việt Đức tại tỉnh Hà Nam theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý I năm 2024.

10 năm chìm nổi

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 1.12.2014 với tổng mức đầu tư là 4.990 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỉ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 118.941m2 sàn.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được phê duyệt vào ngày 1.12.2014 với tổng mức đầu tư: 4.968 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỉ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 117.714m2 sàn.

Ngày 21.10.2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3.2019 đến tháng 3.2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng COVID-19. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 hiện vẫn chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Với vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và nguồn khác, hai cơ sở y tế này đã không đáp ứng được kỳ vọng sẽ chống quá tải hiệu quả cho các bệnh viện tuyến Trung ương ở miền Bắc.

Theo ghi nhận của Lao Động, hiện bên trong và ngoài khuôn viên bệnh viện cỏ dại bao trùm, vật liệu xây dựng vứt chỏng chơ, bừa bãi. Nhiều khu vực phụ trợ được xây dựng dang dở xuống cấp, một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hoá.

Dự án bệnh viện hàng nghìn tỉ đồng phải “đắp chiếu” nhiều năm là câu chuyện điển hình về lãng phí nguồn lực Nhà nước.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, trước đó cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai từng được đưa vào sử dụng một phần, đó là khu vực phòng khám. Tất cả các trang thiết bị máy móc đều được mang từ cơ sở 1 xuống.

Ban đầu, phòng khám này thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Tuy nhiên thời gian sau, do có nhiều bất cập nên số bệnh nhân giảm. Tại đây chỉ có chức năng thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1. Với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm… 1 năm hoạt động tại cơ sở 2, bệnh viện phải bù lỗ. Hiện toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1.

Từ ngày 30.12.2020 cả 2 dự án đã dừng thi công do chưa được tiếp tục gia hạn thực hiện dự án.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức bỏ hoang nhiều năm đã xuống cấp. Ảnh: Thiều Trang

Sẽ hoàn thành năm 2025?

Về nội dung liên quan đến dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát khó khăn, với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Đến nay, tổ đã có 3 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31.12.2025; Rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và pháp luật liên quan; Và đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm được dự án vào phục vụ nhân dân.

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định, để sớm đưa các dự án này vào triển khai. Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ để triển khai xây lắp đã đạt được mức độ rất cao, 80-90%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán các dự án này.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu xây dựng và pháp luật liên quan; từ đó đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện, sớm đưa dự án vào phục vụ nhân dân.

Bộ Y tế cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu nhằm thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định.

Một lãnh đạo của Bệnh viện Việt Đức cho biết, định hướng phát triển mở rộng bệnh viện đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình triển khai còn một số vướng mắc. Nếu khi đi vào hoạt động chính thức, đồng bộ, Bệnh viện Việt Đức cũng phải có phương án, kế hoạch cụ thể về nhân lực cũng như tổ chức để công tác khám, điều trị hiệu quả.

Dự án này đầu tư theo hình thức “chìa khóa trao tay”, nên tất cả chuyện mua sắm, đấu thầu, tổ chức, triển khai là do Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức là 2 đơn vị thụ hưởng Đề án. Cho tới hiện nay chưa bàn giao gì cho bệnh viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn